Làm chiếc bàn để chụp tether

Trong nhiếp ảnh, “tethered shooting” là việc máy ảnh được nối với máy tính (qua USB hoặc wifi) và ảnh chụp được lưu trực tiếp vào máy tính này. Miêu tả là vậy nhưng chưa biết dịch sang tiếng Việt như thế nào.

Để tiện xem ảnh thì máy tính thường được đặt ngay cạnh người chụp. Nhưng nhiều khi người chụp phải thay đổi vị trí nên cái bàn để đặt máy tính cũng phải di chuyển theo.

Trước đây thì anh cũng làm một cái mặt bàn bằng gỗ và lắp lên chiếc xe đẩy. Tuy nhiên nó hơi chật và, cái chính là, không thật sự linh hoạt.

Trước đấy nữa thì một hãng có tên là Tether Tools đã làm ra một cái mặt bàn bằng nhôm và gọi nó là “tether table”. Cái bàn này có nhiều cỡ, tuỳ thuộc vào nhu cầu khác nhau, nhưng to nhất cũng chỉ là 40x56cm và nặng hơn 1,3kg. Kích thước càng to thì càng đắt.

Chiếc nhỏ nhất có giá là 196 đô la Mĩ và chiếc to nhất là 220 USD (chính xác là $219,95), bao gồm mặt bàn và một khớp nối đa năng. Chiếc khớp nối thần thánh này là một cục kim loại hình trụ sơn màu đen, một đầu được khoét 4 lỗ ren để bắt vào mặt bàn nhôm, đầu còn lại được cắt thành một cái ngàm gắn chân máy kiểu Arca, khoét một lỗ ren 1/4-20, một lỗ ren 3/8″, và một lỗ 5/8″ để lắp vào chân đèn.

Một thiết kế thật là thông minh nhưng cái giá thì thật sự kinh hoàng!

Nếu mua về Việt Nam thì cộng thuế và phí vận chuyển thì giá không dưới 7 triệu đồng.

Có một công ty thiết bị chụp ảnh ở Canada làm nhái y hệt và bán với giá 100CAD, tức là chỉ khoảng 75 đô la Mĩ. Nhưng như thế vẫn đắt. Mà dùng hàng nhái thì thà tự chế còn hơn.

Vì thế, sau cả năm băn khoăn, nhân một chiều mưa gió ế khách, anh đánh bạo ra Đê La Thành mua một tấm nhôm 40x60cm dầy 3mm giá xấp xỉ 200.000VND để làm mặt bàn. Sau đó thì tạt đại vào một xưởng tiện nguội để thuê người chế cái khớp nối.

Vì không dùng chân máy chuẩn Arca, cũng không có cái chân đèn nào đủ thấp mà lại chắc chắn nên anh chỉ khoét hai loại lỗ ren để lắp ngàm hoặc gắn trực tiếp lên chân máy.

Sau một hồi nghe anh miêu tả thì ông thợ cũng hiểu ra vấn đề và tìm cho anh một cục nhôm. Nó là một đoạn ống nhôm thì đúng hơn. Tuy không chuẩn lắm nhưng cũng dùng được.

Bước đầu tiên là bạt phẳng mặt khối nhôm và tạo vòng tròn để xác định điểm khoan
Lấy dấu vị trí 4 mũi khoan trên mặt bàn. Trông rất chi là bài bản. Nếu là anh thì anh sẽ cắt một miếng giấy hình vuông rồi dùng nó để lần lượt đánh dấu lên mặt bàn và khối nhôm.
Lắp thử vít. Tuy là lắp vít chìm nhưng ông thợ chọn vít 8 trong khi mặt bàn chỉ có 3mm nên sau đó dù có ra sức tán thì nó vẫn nhô lên gần 1mm :v
Không có cái ê-tô cỡ này thì tạo lỗ ren cũng khá là khoai đấy các mẹ ạ.
Còn đây là ngàm chân máy được lắp lên khối nhôm. Biết thế khoét thêm một cái lỗ vít nữa cho chắc.

Sau gần một tiếng thì sản phẩm cũng xong. Ông thợ hoan hỉ nhận của anh 450k, còn anh thì không vui lắm. Một phần vì giá hơi đắt quá (can tội không mặc cả từ trước), nhưng chủ yếu là vì trông cái mặt bài xấu hơn kì vọng và có vẻ không chắc chắn như mong đợi.

Hai ngày sau, cũng vào một buổi chiều nhưng không có mưa rơi, chiếc bàn không được đẹp như kì vọng ấy được dùng cho buổi chụp đầu tiên. Trong vòng hai tiếng, anh phải thay đổi dăm bảy vị trí chụp khác nhau ở hai tầng trong một toà nhà.

Chiếc bàn không được đẹp lắm trong lần đầu được chính thức sử dụng.

Trộm vía, chiếc bàn tỏ ra tiện dụng và hữu ích hơn nhiều so với kì vọng ban đầu (tức là trước khi nó được làm ra).

Anh nghĩ là nếu dùng nhôm dày 2mm thì vẫn đảm bảo khả năng chịu lực mà lại nhẹ hơn. Nhưng thôi, tính sau.


Chuyên mục: