Khu đô thị mới Mộ Lao

Exposure Triangle – Tam giác lộ sáng

Ở bài trước chúng ta đã lần lượt tìm hiểu về khẩu độ, tốc độ cửa trậpISO. Đây là ba yếu tố làm nên mô hình tam giác lộ sáng (exposure triangle). Sự lựa chọn từng yếu tố này không chỉ ảnh hưởng tới độ sáng mà còn thay đổi cách thể hiện các chi tiết thu được khung hình.

Các thuật ngữ liên quan

Lộ sáng (expose) là việc cho ánh sáng đi qua ống kính và tiếp xúc với cảm biến một cách có chủ đích.

Lọt sáng (light leak) là hiện tượng ánh sáng tiếp xúc ngoài ý muốn với phim. Thường là do thân máy bị hở hoặc lỗi chế tạo.

Phơi sáng (exposure) là toàn bộ quá trình lộ sáng từ khi mở đến khi đóng lại cửa trập. Kết quả của quá trình này là hình ảnh được lưu lại trên phim.

Tam giác lộ sáng (Exposure Triangle)

Tam giác lộ sáng (Exposure Triangle) là mô hình thể hiện tương quan giữa ba thông số trong cùng một điều kiện chụp: khẩu độ, tốc độ cửa trập và ISO.

Mô hình tam giác lộ sáng
Các đoạn thẳng màu xanh thể hiện tương quan giữa thông số và độ sáng của bức ảnh. Các đoạn thẳng màu đen thể hiện mối tương quan về cách thể hiện các chi tiết trong bức ảnh. Minh hoạ: luom.tv

Khi nhìn vào các đoạn thẳng màu xanh và mũi tên màu cam chúng ta thấy: Để thay đổi độ sáng, người chụp có thể điều chỉnh một, hai hoặc cả ba thông số. Ví dụ, muốn tăng sáng thì có thể tăng ISO và/hoặc tăng khẩu độ và/hoặc giảm tốc độ cửa trập.

Để chụp được một bức ảnh đúng sáng, người chụp không nhất thiết phải biết về những điều trên. Máy ảnh có thể tự động làm thay cho bạn. Như khi chụp ảnh bằng điện thoại di động, việc của bạn là ngắm và bấm. Các thông số ISO, khẩu độ, tốc độ đều do máy móc tự tính toán và xác định. Ở điều kiện bình thường, việc tính toán tự động này thường đưa ra kết quả như mong muốn.

Tuy nhiên, trong những điều kiện không bình thường, hoặc muốn thay đổi độ sáng theo ý muốn, người chụp sẽ phải tự mình thay đổi các thông số.

Ngoài ra, tam giác lộ sáng không đơn thuần chỉ nói về chuyện sáng – tối.

Khi nhìn vào các đoạn thẳng màu đen, ta thấy ứng với mỗi yếu tố là hệ quả của nó:

Khẩu độ và Độ sâu trường ảnh

  • Khẩu độ lớn thì độ sâu trường ảnh (Depth Of Field – DOF) mỏng, xoá phông mờ ảo, lung linh, thường áp dụng cho chụp ảnh chân dung. Nhưng mỏng quá thì có thể sẽ không có đầy đủ chi tiết mong muốn. Hoặc dễ bị sai nét, nhất là khi đối tượng chuyển động nhanh.
  • Khẩu độ nhỏ thì DOF dày, có thể là nét điểm gần nhất tới điểm xa nhất, thường áp dụng cho ảnh phong cảnh. Nhưng khép khẩu nhỏ quá thì phải tăng ISO và/hoặc giảm tốc độ cửa trập.

Tốc độ cửa trập và Chuyển động

  • Để hình ảnh sắc nét, bắt đứng được chuyển động (motion) thì phải tăng tốc độ cửa trập tới mức phù hợp. Lúc này lại phải tăng ISO và/hoặc tăng khẩu độ.
  • Còn nếu người chụp chủ ý tạo ra các dịch chuyển thì sẽ giảm tốc độ theo mức tương ứng. Nếu ánh sáng quá mạnh thì ảnh vẫn có thể bị dư sáng hoặc cháy dù đã giảm ISO về mức thấp nhất và khép khẩu nhỏ nhất.

ISO và Nhiễu

  • Để ISO cao thì ảnh bị nhiễu (noise), giảm màu, bết. Bù lại, bạn có thể chụp được ở khẩu nhỏ hơn, tốc độ cao hơn.
  • Để ISO thấp, ảnh sẽ mịn hơn, màu sắc đầy đủ, chi tiết sắc nét. Nhưng bạn phải mở khẩu độ to hơn và/hoặc để tốc độ chậm hơn. Thông thường thì người chụp sẽ để ISO ở mức thấp nhất có thể.
Giao thông trước một điểm thi đại học
Bức ảnh được chụp ở tốc độ 1/3 giây để thể hiện rõ chuyển động của các phương tiện giao thông và các thí sinh đang ra khỏi điểm thi. Do ánh sáng lúc này tương đối mạnh nên người chụp phải để hai thông số còn lại ở mức thấp nhất có thể: ISO 50 và khẩu độ f22. Ảnh: documentary.vn

Việc lựa chọn các thông số không chỉ để có bức ảnh đúng sáng (corrected exposure) theo ý muốn mà còn là cho biết dụng ý của người chụp ở cách thể hiện các chi tiết trong khung hình.

Thêm một cách giải thích về tam giác lộ sáng: Chụp ảnh cũng giống như rán khoai

Nếu bạn vẫn còn cảm thấy mơ hồ về cái tam giác lộ sáng kia, hãy thử so sánh với việc rán khoai.

Lửa (nhiệt độ) – Khẩu độ

Lửa to thì miếng khoai nhanh chín hơn, nhưng chỉ chín phần bên ngoài, tương đương với DOF mỏng; lửa nhỏ lâu chín nhưng chín cả trong lẫn ngoài, tương đương DOF dày.

Thời gian rán – Tốc độ cửa trập

Nhanh quá thì sống (ảnh thiếu sáng), đủ thì chín (ảnh đủ sáng) mà lâu quá thì cháy (ảnh dư sáng).

Độ dày của miếng – ISO

Cùng một mức lửa và thời gian rán thì miếng mỏng (ISO cao) sẽ chín trước, miếng dày (ISO thấp) sẽ chín sau hoặc chưa kịp chín. Nếu mỏng quá thì khô cứng, mất dinh dưỡng (suy giảm chất lượng); miếng thái đủ dày sẽ thì mềm hơn, ngon hơn.

Tất nhiên, như thế nào là đủ chín, thích giòn hay mềm lại tuỳ thuộc vào mục đích của người rán.

Một bình luận

  1. […] Exposure Triangle – Tam giác lộ sáng […]

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.