Hồi ấy đâu như là cuối năm 2014, khi cái tuổi mới đầu 3 đít chơi vơi, có lần Lựợm dừng xe đợi đèn đỏ thì thấy một loạt xe vọt qua, trong đó có cả một xe máy chở ba cháu mặc đồng phục học sinh. Chưa kịp rút điện thoại ra chụp ảnh để đăng vào Trại phục hồi nhân phẩm giao thông thì nghe tiếng một phụ nữ đằng sau: – Cứ phải phạt nguội thật nặng như ở bên tây thì mới chừa.
Nhìn gương thì thấy một phụ nữ trẻ khác quay sang người vừa nói: – Chắc gì. Cứ phải đợi đến khi Hà Nội không đào đường nữa thì may ra dân mình mới có ý thức.
Từ đó thiếu niên đánh giày ở Hà Nội mới có câu rằng:
Ngày đường Hà Nội hết đào
Giao thông lúc ấy mới vào kỉ cương
Trong câu này, “đào” là động từ nhưng do hiện tượng đồng âm nên cũng có thể hiểu đó là “hoa đào” (danh từ) – một loài hoa vốn không thể thiếu trong ngày Tết của người Hà Nội. Vì thế, sau này có một số học giả giải thích là do vào dịp gần Tết, hoa đào được bày bán tràn lan trên đường phố, điển hình là phố Hàng Lược, kẻ mua người bán hết sức náo nhiệt nên giao thông cũng vì thế mà rất hỗn độn. Chỉ khi đến ngày Tết, không ai bán hoa nữa, phố xá vắng lặng, thỉnh thoảng mới có bóng người, chủ yếu là các nhiếp ảnh gia đi chụp bán muối đầu năm, lúc ấy giao thông mới gọi là có kỉ cương.
Tất nhiên, cách giải thích này không nhận được sự đồng tình của những người đã sống ở Hà Nội vào đầu thế kỉ 21. Bởi khi đó ở góc nào của thủ đô cũng có chuyện hôm nay thoát nước đào đường đặt cống, ngày mai thì điện lực xới lên, được vài hôm thì lại có mấy anh viễn thông bới ra để đi cáp…
Còn chuyện đợi đèn đỏ nói riêng và ý thức chấp hành luật giao thông của người dân thời ấy cũng không kém cạnh gì chuyện đào đường. Bằng chứng là nhiều người thường dừng ngay ở chỗ họ muốn dừng chứ cũng không quan tâm lắm là lúc nào thì phải dừng, chỗ nào thì được dừng, kiểu như con gà đang đi thì dừng lại ị một bãi (có con còn vừa chạy vừa ị), chứ cũng không được ý tứ như chó mèo.