Phân biệt GIẤU và DẤU

Hôm nay anh hướng dẫn phân biệt “giấu” và “dấu”, vì trên mạng có rất nhiều người bị nhầm lẫn.

GIẤU: động từ, “để vào nơi kín đáo nhằm cho người ta không thể thấy, không thể tìm ra được” hoặc “giữ kín, không muốn người ta biết”, ví dụ: giấu tiền, ẩn giấu, giấu dốt.

DẤU: danh từ, “cái còn lại của sự vật, sự việc đã qua, qua đó có thể nhận ra sự vật, sự việc ấy”, ví dụ: dấu vết, ghi dấu.

Như vậy, nếu muốn nói về hành động thì viết là “giấu”, còn không thì “dấu”. Ví dụ:

Dù đã kịp che đi dấu son trên cổ áo nhưng anh vẫn không giấu nổi sự lúng túng của kẻ ăn vụng lần đầu.

Ngoài nghĩa đã nêu thì “dấu” còn có hai nghĩa thường gặp khác là “cái được định ra theo quy ước” hoặc “hình thường có chữ, được in trên giấy tờ để làm bằng, làm tin”.

Còn trong “yêu dấu” thì “dấu” cũng có nghĩa là yêu, nhưng nó là từ cổ nên khó xác định: “Con vua vua dấu, con châu chấu châu chấu yêu”.

Đây là một kiểu từ ghép trong đó một thành phần rõ nghĩa, còn thành phần còn lại đồng nghĩa nhưng là từ cổ. Các trường hợp tương tự như là: sầu muộn, chợ búa, chùa chiền, xe cộ… Những từ ghép kiểu này có nghĩa mang tính khái quát hơn hoặc có sắc thái mạnh hơn nếu so với từng thành tố riêng biệt.

__

Các giải nghĩa của từ được dẫn theo Từ điển Tiếng Việt của Vietlex, 2020.