Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ màn hình qua Internet mà chả phải cài thêm phần mềm

Người ta hay dùng Teamview hoặc RealVNC để kết nối tới màn hình của người khác. Còn anh thì dùng luôn tính năng Screen Sharing có sẵn của Mac OS để truy cập từ xa vào máy tính của chính mình.

Cụ thể là truy cập bằng Macbook tới chiếc iMac ở nhà để lấy dữ liệu (thường là ảnh cũ) hoặc xử lí một công việc gì đó mà phải dùng tới chiếc máy này.

Trước đây, nếu có người cần anh cung cấp ảnh chụp từ nhiều năm trước thì anh sẽ phải khất đến khi về nhà. Ngay cả khi đã có ổ cứng mạng có thể kết nối qua Internet thì đôi khi vẫn phải về nhà thì mới tìm được ảnh. Bởi vì với gần nửa triệu bức ảnh, đa số là ảnh raw, thì phải có kết nối tốc độ Gbps và cần đến phần mềm quản lí như Lightroom để tìm kiếm.

Còn bây giờ, nhờ tính năng Screen Sharing, nếu đường truyền đủ nhanh thì dù ở bất kì đâu anh cũng có thể điều khiển iMac như thể là nó đang ở trước mặt mình. Tìm được thì anh sẽ đưa ảnh lên Dropbox hoặc Google Drive để chia sẻ hoặc tải về chiếc Macbook đang dùng.

Bật dịch vụ Screen Sharing

Đầu tiên, anh mở System Preferences…, bấm vào Sharing rồi đánh dấu chọn dịch vụ Screen Sharing. Ở đây, anh chỉ cho phép tài khoản thuộc nhóm quản trị được quyền truy cập (Allow access for: Only these users: Administrators).

Bật dịch vụ Screen Sharing và giới hạn người dùng

Trong cửa sổ này thì MacOS cung cấp địa chỉ truy cập theo giao thức VNC. Người dùng mở Finder, chọn trình đơn Go / Connect to Server… và nhập địa chỉ:

vnc://192.168.1.100

192.168.1.100 là địa chỉ IP nội bộ của chiếc iMac này.

Sau đó, trong cửa sổ đăng nhập, anh điền tên người dùng và mật khẩu giống như lúc đăng nhập vào iMac.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là đăng nhập qua mạng nội bộ. Cái anh cần là truy cập qua Internet.

Truy cập từ Internet vào máy tính trong mạng nội bộ

Trong trường hợp này thì dễ nhất là mở cổng modem, hay còn gọi là port forwarding / port mapping.

Nhưng trước khi làm vậy thì anh cẩn thận đặt cố định địa chỉ IP nội bộ của chiếc iMac này. Anh cũng vào System Preferences…, bấm vào Network, chọn kết nối Ethernet và cấu hình IPv4 là Manually với địa chỉ IP là 192.168.1.100.

Cấu hình địa chỉ IP
Cấu hình địa chỉ IP nội bộ

Mỗi loại modem hay router sẽ có giao diện riêng để mở cổng. Trong ví dụ này thì anh cấu hình với modem của VNPT với cổng ngoài là 12345 (hoặc một số bất kì trong khoảng 1024 đến 49151) cho cổng trong là 5900 (đây là cổng dành cho giao thức VNC).

Cấu hình mở cổng với modem của nhà mạng VNPT

Giả sử IP của nhà mạng cấp cho modem là 11.22.33.44 thì để truy cập từ xa vào màn hình của iMac, anh sẽ nhập địa chỉ sau:

vnc://11.22.33.44:12345

Tức là anh thay IP nội bộ (192.168.1.100) bằng IP công cộng (11.22.33.44) và thêm cổng (:12345).

Tuy nhiên, nếu không dùng dịch vụ IP cố định của nhà mạng thì mỗi lần khởi động lại modem thì anh lại phải xác định lại địa chỉ IP mới. Mà phải về nhà để xem thì còn nói chuyện gì. Việc này dẫn đến chuyện phải dùng dịch vụ DNS động (Dynamic DNS).

DDNS không phải là cái gì phức tạp lắm, cứ Google là ra liền.

Còn nếu khó khăn quá thì bạn hãy bỏ qua hết những chuyện trên và cài phần mềm miễn phí như RealVNC hoặc mất (khá nhiều) tiền như Apple Remote Desktop :v