Cuốn này mới đọc lướt lướt lướt một lần cách đây đã lâu lẩu lầu lâu lắm. Giờ mà nói “đọc lại” thì không đúng, phải coi như đọc từ đầu.
Không chỉ là lâu không đọc quyển này mà là cũng lâu lắm không đọc quyền nào. Nhớ ngày xưa, mình đọc nhiều phết ấy chứ.
Đọc thiên thứ nhất thì thấy đoạn dưới đây rất quen. Quen không phải vì đã từng đọc rồi mà đã được nhiều sách dẫn, “vận” lại ở nhiều hình thức khác nhau.
“Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức kí ức thì phát đạt lắm, mà giầu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lí. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hoà hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc, thì ít dân tộc bì kịp. Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hay nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và ham mê cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hoà bình, song ngộ sự thì cũng biết hi sinh vì đại nghĩa. Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hoá thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo. Đó là lược kể những tính chất tinh thần phổ thông nhất của người Việt Nam, cũng có tính nguyên lai từ thượng cổ mà có thay đổi chút ít, cũng có tính do lịch sử và trạng thái xã hội hun đúc dần thành, cho nên ta đừng nên xem những tính chất ấy là bất di bất dịch”.
Đào Duy Anh. Việt Nam văn hoá sử cương. Nxb Văn hoá Thông tin. H., 2002, tr.23-24
Cái quyển mà mình đang đọc được một nhóm vịt lớp K46NN tặng hồi đầu tháng 3 năm 2003, trong đó có lời đề tặng “Thời gian sẽ nói được rất nhiều”. Theo Lời giới thiệu của nhà xuất bản thì “Việt Nam văn hoá sử cương” của cụ Đào Duy Anh được in lần đầu năm 1938 tại Quan Hải tùng thư. Hơn 70 năm rồi mà những nhận định của cụ vẫn chưa có gì thay đổi, dù chỉ là “chút ít”.
Đọc sách vừa vui vừa đỡ bị ngu si hoá. Từ mai mình sẽ cố gắng mỗi ngày vài trang.