Sáng tạo và sở hữu

Đối với những đề tài được cơ quan, Nhà nước (gọi chung là các cơ quan) cấp ngân sách, về bản chất, các cơ quan đó là chủ đầu tư, còn cán bộ nghiên cứu là người thi công. Trong hệ thống sản xuất xã hội, người sở hữu tư liệu sản xuất quyết định quá trình tổ chức phân công lao động, phân phối sản phẩm xã hội vì lợi ích của mình, còn người không sở hữu thì phục tùng sự phân công nói trên. Vì thế, các cơ quan đã là chủ đầu tư thì cũng đồng nghĩa với việc là người sở hữu.

Sở dĩ cần phải “nói nhảm” về vấn đề này là vì hiện nay có tình trạng một số người dùng ngân sách cơ quan để nghiên cứu nhưng lại giấu tư liệu (cả trước và có thể cả sau khi công bố công trình), không cho người khác biết. Để giải thích điều này, họ đưa ra lí lẽ là sợ người khác “cướp công” của họ.

Đó là một sự bao biện không chính đáng, mâu thuẫn.

Thứ nhất, họ đã được trả công để thu thập những tư liệu đó. Tư liệu đó thuộc về sở hữu của cơ quan cấp ngân sách. Chỉ cơ quan đó mới có quyền quyết định quyền sử dụng.

Thứ hai, nếu sau khi công bố công trình mà họ vẫn giấu tư liệu thì có nghĩa là họ đã chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của cơ quan.

Hơn nữa, việc giấu giếm đó có thể gây ra tình trạng lãng phí do người khác phải làm lại.

Tất nhiên, nếu như sản phẩm là một cái nhà, một cây cầu thì việc xác định quyền sở hữu rất dễ dàng. Nhưng ở đây sản phẩm làm ra là kết quả của một quá trình sáng tạo, đầu tư với hàm lượng chất xám cao, mang đậm dấu ấn cá nhân,… và có thể nói là có một không hai, nên quyền ở đây cũng tương đối rắc rối. Vậy có thể nói là mặc dù không có quyền sở hữu nhưng người làm ra sản phẩm có quyền được công nhận và được bảo vệ tư cách chủ thể sáng tạo của mình? Nói cách khác là chủ sở hữu không có quyền tước bỏ tư cách chủ thể sáng tạo của người người làm ra sản phẩm để gán cho mình hoặc người khác?

Để minh hoạ cho điều này có thể đưa ra hai ví dụ:

Ví dụ 1: Viện nghiên cứu A thuê công ti B xây cho mình một toà nhà. Sản phẩm là một toà nhà và không bao giờ người ta nghĩ đó là toà nhà của công ti B.

Ví dụ 2: Viện nghiên cứu A cấp ngân sách cho cán bộ C nghiên cứu một đề tài. Sản phẩm là một phát minh vĩ đại, và cũng như công ti B với ngôi nhà ở ví dụ trên, ông C hoàn toàn không có quyền sở hữu, tức là không có quyền quyết định việc sử dụng, trao đổi, mua bán,… phát minh đó. Nhưng người ta luôn khẳng định đó là phát minh của ông C, không phải là phát minh của viện A; viện A không có quyền nói đó là sáng tạo của mình, càng không có quyền gán nó cho ông D, ông E nào đó,… mặc dù viện A là người sở hữu.

Đấy là mình nghĩ thế, còn chẳng biết trong luật ghi như thế nào. Có lẽ hôm nào rỗi hơi thì sẽ sang bên Bộ môn Khoa học Quản lí mượn ít tài liệu.


Chuyên mục: