Cuối năm 2018, anh có viết một bài về cách ứng xử khi bị ăn cắp ảnh. Nhưng lần đó anh mới chỉ đưa ra giải pháp với trường hợp đăng trên mạng xã hội như Facebook hay Instagram. Còn với các website của người khác thì khả năng can thiệp khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có một cách phản ứng hiệu quả là đề nghị các máy tìm kiếm gỡ bỏ trang có nội dung (ảnh) vi phạm ra khỏi danh mục của mình. Bài này áp dụng với Google — công cụ tìm kiếm phổ biến nhất tại Việt Nam.
Chuyện là thế này
Để có trong danh sách kết quả tìm kiếm của Google thì không có gì khó khăn, nhưng để xuất hiện ngay trong những trang đầu tiên thì bạn cần phải đầu tư khá nhiều. Do đó, nếu bị loại khỏi danh mục của Google thì bao thời gian và cả tiền bạc coi như bốc hơi.
(Anh không rõ là nếu vậy thì có ảnh hưởng gì tới uy tín của cả tên miền hay không).
Lần trước, với từ khoá “chân dung nghề nghiệp”, anh đã phát hiện một studio dùng ảnh của anh để làm ảnh minh hoạ cho dịch vụ của họ. Anh đã yêu cầu họ xoá nhưng không thấy trả lời. Thế là anh bèn đề nghị Google gỡ các URL vi phạm bản quyền ra khỏi các kết quả tìm kiếm. Đồng thời anh cũng chẳng ngại chụp ảnh màn hình để bêu riếu trên Facebook. Chẳng ngờ, việc này lại trở thành một bài phản ánh trên VTV.
Thêm một ví dụ thật
Nhân tiện hôm nay khi tìm với từ khoá “ảnh profile” anh lại phát hiện ra một studio khác dùng ảnh của mình nên lấy làm ví dụ thực tế luôn.
Ở trang đề nghị xoá do vi phạm bản quyền, anh điền đầy đủ thông tin liên hệ: tên, họ, người giữ bản quyền (là anh), địa chỉ thư điện tử, quốc gia. Sau đó là miêu tả nội dung bị vi phạm:
- “Xác định và mô tả tác phẩm có bản quyền”:
Trường hợp này là “ảnh chân dung”. - “Chúng tôi có thể xem mẫu được cấp phép của tác phẩm ở đâu?”:
Cung cấp địa chỉ đến bức ảnh lưu ở timestudio.vn - “(Các) cụm từ bạn đã sử dụng để tìm kiếm hình ảnh”:
Trong trường hợp này là từ khoá “ảnh profile”. - “URL trang đích của tài liệu bị cáo buộc vi phạm“:
Không phải là địa chỉ trên website vi phạm mà là địa chỉ của kết quả tìm kiếm có nội dung vi phạm. Anh lấy địa chỉ này ở trang kết quả tìm kiếm hình ảnh bằng cách nhấn chuột phải lên ảnh và sao chép địa chỉ như hình dưới đây.
Sau đó anh đánh dấu vào các phần cam đoan, điền ngày tháng, ghi họ tên để kí và gửi đi.
Anh có thể theo dõi kết quả xử lí trong trang Tổng quan về nội dung xoá. Thông thường phải mất nhiều tuần anh mới biết là yêu cầu có được chấp thuận hay không. Điều này cũng dễ hiểu vì đến nay đã có hơn 4,7 tỉ URL của gần 3 triệu tên miền bị yêu cầu gỡ bỏ.
Lần trước anh đã đề nghị xoá 5 địa chỉ với từ khoá “chân dung nghề nghiệp“, tất cả đều được Google chấp thuận. Không tin thì bạn cứ thử tìm mà xem, ở cuối trang sẽ có thông báo là “In response to a complaint that we received under the US Digital Millennium Copyright Act, we have removed 6 result(s) from this page.“
Bình luận