Ngoài sân, bóng cái cọc chỉ còn một mẩu, từng đám rêu đen xì rộp lên rồi nứt toác. Trong nhà, tiếng quạt điện bật hết số đang ầm ầm quay nhưng không át được những tiếng thở dài, thở ngắn rồi những tiếng trở mình liên tục. Giời ơi! Nóng thế này thì ai mà ngủ được!… Than thở, mệt mỏi rồi thở than, chán rồi thì người ta cũng bắt đầu mất dần cảm nhận về xung quanh. Sắp ngủ rồi… Nhưng quái thật! Sao lại có tiếng trẻ con chửi nhau vào giờ này cơ chứ. Thế là các ông bố bà mẹ đang thiu thiu ngủ vội nhỏm dậy ngó xem con mình có ở nhà ngủ trưa không. Giời ạ, con với cái, ngủ không ngủ lại đi bêu nắng rồi. Mà không khéo chúng nó lại đang chửi nhau cũng nên… Rồi chúng mày về đây… Nghe ngóng một hồi rồi họ nhận ra đấy không phải là tiếng con mình. Con cái nhà nào thế nhỉ, lạ thật, hai đứa cãi nhau, chửi nhau như thế mà cấm có lôi ông bà cụ kị nhau ra, thế thì ai mà biết là đứa nào với đứa nào. A, hoá ra là thằng Chính với thằng Nam, anh em họ hàng gì mà… Mà cũng tại cái ông Luận ba phải.
*
Sau ngày ông Toán đi, mảnh vườn được chia theo đúng lời trăng trối. Cứ lấy ba cây nhãn làm mốc thì nửa trên sẽ là của chú Luận, phần còn lại của chú Bình. Như vậy thì chú Luận được phần hơn, đó cũng là lẽ thường, con trưởng thường được ưu tiên, lại còn lo trách nhiệm hương khói nữa. Nhưng ông Toán chỉ lấy ba cây nhãn làm mốc mà không nói rõ cho ai. Chú Luận, phần nghĩ mình là anh, được chia phần hơn, kinh tế lại khá giả, vả lại ba cây nhãn ấy chỉ to xác mà không có quả nên bàn với vợ nhường luôn cho chú Bình. Cô Thơm – vợ chú Luận – đồng ý ngay vì giữ lại thì chẳng được gì, còn nếu cho đi thì lại được tiếng tử tế…
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu ba cây nhãn lại giở chứng ra quả rất sai. Mỗi năm chú Bình cũng có thể bỏ túi hơn hai triệu đồng, một món tiền không nhỏ so với thu nhập của người nông dân, tính ra thì là cả tấn thóc chứ không ít. Thấy cậu em chồng vớ bở, cô Thơm, với bản chất “con buôn” như mọi người vẫn gọi, liền bàn với chồng đòi lại ít nhất một cây. Quân tử nhất ngôn, chú Luận gạt đi ý đó tuy trong lòng cũng hơi tiếc. Nhưng đời nào cô Thơm lại bỏ qua, mượn oai anh trai của chồng không được thì cô lấy cái oai chị dâu của mình. Cô Thơm ban đầu còn bóng gió sau thì nói thẳng với chú Bình ý định của mình. Chú Bình không chịu. Cô Thơm biết mình đuối lí nên những lúc cô ế hàng cũng là lúc hàng xóm phải nghe đủ điều xấu dở của chú Bình. Bị xúc phạm quá đáng nên chú Bình liền nói thẳng với anh trai mình. Chẳng hiểu chú Bình vô ý kiểu gì mà hôm sau chú Luận cũng lại vào hùa với vợ mình. Chuyện ngày càng rắc rối, anh em chẳng thèm nhìn mặt nhau, hàng xóm có người khuyên trả một cây, người bảo trả hết, kẻ lại bảo tội gì mà vất đi một phần ba thu nhập của mình…
Đó là chuyện của người lớn nhưng bọn trẻ con thì chúa là a dua. Thằng Chính con chú Luận trước đây quý thằng Nam con chú Bình lắm, nhưng từ ngày bị bố mẹ cấm cửa nó cũng tỏ ra khinh khỉnh với đứa em họ của mình. Bây giờ có đứa nào bắt nạt thằng Nam thì thằng Chính cũng mặc kệ. Thằng Nam cũng không vừa, nó cũng bị bố mẹ cấm chơi với thằng Chính, chẳng “anh Chính” nữa mà cứ “thằng Chính” nó gọi.
Sau một thời gian, cô Thơm hình như đã mỏi mồm nên hàng xóm không còn nghe cô nói xấu chú Bình. Nhưng chú Bình thì biết cô Thơm tuy mỏi mồm nhưng tay thì chưa mỏi. Cô Thơm đổi chiến thuật: Không ăn được thì đạp đổ, mình không được ăn thì tội gì để cho cây nhà nó ớm vườn nhà mình. Thế là cô Thơm định thuê người chặt hết phần tán cây xoè sang phần đất nhà mình nhưng kế đó bị chú Luận ngăn lại. Làm thế thì có khác gì chặt cây đi, mà cây là của ông bà để lại, trách nhiệm con trưởng của chú là phải giữ gìn… Cô Thơm lại thay đổi chiến thuật. Cả tháng nay, cứ vài ngày một lần, chú Bình lại phải trèo lên cây gỡ dây tơ hồng. Chú Bình biết thủ phạm là ai nhưng chưa bắt được tận tay nên sai thằng Nam theo dõi. Thằng Nam rình mãi chưa bắt được, phải mãi cho đến trưa nay…
*
…
– Mày là thằng phá hoại, đồ ghen ăn tức ở.
– Mày nói láo. Tao sẽ cho mày biết tay!
– Tao thách đấy!
– Thì thách này…
Thằng Chính không xé giậu được liền cậy gạch ném.
– Mày dám ném tao à. Thì ném này…
Thằng Nam cũng cậy gạch ném trả. Thấy bọn trẻ con cãi nhau to nên bố mẹ chúng trong nhà quát với ra:
– Thằng Chính đâu, về nhà ngay! Mày chửi nhau với con nhà ăn cướp ấy làm gì!
– Thằng Nam! Về ngay!… Không phải cãi nhau với quân ghen ăn tức ở. Hôm nay thì bắt tận tay day tận mặt rồi nhé…
Hình như mấy tiếng quát có hiệu lực nên mọi người không còn nghe thấy tiếng hai đứa nữa. Họ lại quay vào dỗ giấc ngủ trưa bị bỏ giở.
*
Bọn trẻ con chúa là thích đi bêu nắng vào buổi trưa. Hôm nay lũ nhóc trong xóm sau khi “bàn bạc” chi li đã “ra quyết định” đến nhà thằng Nam. Chả gì thì vườn nhà nó cũng mát và… nhãn nhà nó thì… ngọt rồi. Thằng Nam dễ tính lắm, không như cái bà bác dâu nhà nó.
Con Vàng vừa lim dim vừa thè cái lưỡi đỏ có mấy đốm đen ra thở hồng hộc, nóng như thế này mà “anh chàng” vẫn khoác bộ “áo lông” xù. Nghe tiếng trẻ con đi vào, con Vàng định chồm dậy sủa nhưng nhận ra “người quen” nó lại tiếp tục uể oải nằm xuống lim dim, thè lưỡi thở hồng hộc. Bọn trẻ biết thế nên lấy làm khoái chí lắm.
– Phen này thì mấy hôm nữa, đợi lúc nhãn quá nước hai, là buổi tối bọn mình…
– Im!…
– Hì hì…
Ngó vào trong nhà không thấy thằng Nam đâu, chỉ thấy bố nó cũng đang lim dim, đu đưa cái võng. Chắc là cu cậu lại ra chỗ cây nhãn rồi, càng hay. Bọn ta ra chỗ đấy, kiếm cái gì ngoáy mũi nó rồi thì… Chắc là ngọt…
*
Có đứa trong bọn trẻ sợ quá kêu thét lên rồi khóc rưng rức…
– Chú Bình ơi, thằng Nam bị ngã vỡ đầu…
Cô Thơm đang bực vì chuyện bại lộ liền lẩm bẩm:
– Cho chết, chắc là “khát” mấy quả nhãn đây mà.
– … Cô im đi! Bác cháu gì cái ngữ cô…
Chú Luận vừa quát vợ vừa chạy ra chỗ mấy cây nhãn…
– Trời ơi!… Chính ơi… Con làm sao thế này…
*
Một tuần sau, trên đầu hai đứa trẻ vẫn còn hai cục bông to tướng. Hàng xóm cả tuần được dịp bàn luận “sôi nổi”, kẻ nói ra, người nói vào, rốt cuộc cũng quanh quẩn ở câu “Khôn ngoan đá đáp người ngoài”…
Bọn trẻ con thì tiếc ngẩn ngơ, không những vì bố mẹ chúng nó cấm mà ngay chúng nó cũng sợ. Chắc ba cây nhãn ấy có ma. Nếu không tại sao anh em chúng nó lại ném nhau vỡ đầu nhỉ? Người lớn vẫn bảo anh em đánh nhau là vì có ma xui… Tiếc thật… Chỉ mấy ngày nữa là nhãn bẻ được, không biết có đứa nào dám đến gốc cây nhặt quả rụng không…
(10E, năm học 1998–1999)
Bình luận