đường sá

“đường sá” và “phố xá”

“phố xá” ít khi bị viết nhầm thành “*phố sá”, nhưng “đường sá” lại thường xuyên bị viết nhầm thành “*đường xá”.

Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2023) giảng: 

đường sá d. Đường đi lại trên bộ (nói khái quát). Đường sá lầy lội. Đường sá xa xôi. Mở mang đường sá.

“sá” được nhiều người cho là một từ cổ, cũng có nghĩa là “đường”. “đường sá” là một từ ghép đẳng lập gồm hai thành tố đồng nghĩa, trong đó thành tố thứ hai là từ cổ, cũng giống như các trường hợp “chùa chiền”, “đất đai”, “tuổi tác” v.v.

Có thể thấy điều này khi tham khảo một số từ điển khác.

Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Của) giảng:

Đàng sá. Đàng đi (Tiếng đôi).

Việt Nam tự điển (Khai Trí Tiến Đức) giảng:

. Đường (không dùng một mình): Đường-sá.

Trong Tự điển chữ Nôm dẫn giải (Nguyễn Quang Hồng), chữ “sá” 垞 (hoặc 挓, 詫) với nghĩa là “lối đi, con đường” cũng chủ yếu xuất hiện trong tổ hợp “đường sá”.

phố xá” được Từ điển Viện Ngôn ngữ học giảng là “các phố (nói khái quát)”. Còn “phố” thì được giảng là “đường ở thành phố, thị trấn, dọc hai bên có nhà cửa”.

Nghị định số 91/2005/NĐ-CP cũng định nghĩa “phố” với nghĩa tương tự: “Phố là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị, hai bên phố thường có các công trình kế tiếp nhau như nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu”.

” trong “phố xá” là một từ Hán Việt, trong trường hợp này là chữ 舍 với nghĩa là “nhà” hoặc “quán trọ”. Ví dụ: tệ xá (cách nói khiêm tốn về nơi ở của mình), bệnh xá (bệnh viện nhỏ), kí túc xá (nơi ăn ở của học sinh, sinh viên), quán xá (hàng quán nói chung)…

Như vậy, nhưng “sá” trong “đường sá” và “xá” trong “phố xá” không có liên quan gì tới nhau. Tuy nhiên, nếu như “xá” có mặt trong nhiều tổ hợp thì “sá” với nghĩa là “đường” gần như chỉ có trong “đường sá”. Và vì “đường” và “phố” gần nghĩa với nhau nên có lẽ vì thế nhiều người đã có sự liên tưởng tới “phố xá” mà viết nhầm “đường sá” thành “*đường xá”.


Chuyên mục: