“Trăng trối” là một bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu, đã được đưa vào sách giáo khoa. Nhờ bài thơ này mà nhiều học sinh mới biết lời dặn trước khi chết là “trăng trối” chứ không phải “trăn trối”.
Dẫu vậy, trong khẩu ngữ và cả trên báo chí “trăng trối” vẫn thường xuyên nhầm bị nhầm thành “trăn trối”.
Việt Nam tự điển (Khai Trí Tiến Đức), Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý, 1999), Từ điển tiếng Việt (Vietlex, 2020) và Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2023) đều ghi nhận “trăng trối” nhưng chuyển chú sang “trối trăng”. Chúng tôi chưa thấy từ điển nào ghi nhận “trăn trối”.
“trối trăng” được Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý, 1999) giảng là “trối lại, dặn dò trước khi qua sắp qua đời”.
Việt Nam tự điển (Khai Trí Tiến Đức) giảng:
Trối-trăng. Nói chung về sự “trối”.
Từ điển tiếng Việt (Vietlex, 2020) giảng cũng rất ngắn gọn:
trối trăng đg. trối lại [nói khái quát]
Trong “trăng trối” hay “trối trăng” thì “trối” là thành tố rõ nghĩa và mang nghĩa của cả tổ hợp. Cả bốn từ điển vừa kể tên cũng đều ghi nhận riêng mục “trối” là một động từ với nghĩa “dặn dò trước khi chết”.
Còn “trăng” thì chưa có từ điển nào cho thấy sự liên quan nào tới nghĩa của tổ hợp. Do vậy, nhiều người cho rằng phải là “trăn” (trong “trăn trở”) mới liên quan, mới là đúng, chứ còn “trăng” thì vô lí.
“trối trăng”, “trăng trối”, “trối” còn có cách phát âm địa phương là “giối giăng”, “giăng giối”, “giối”. Và “Giối giăng” cũng là tên một bài thơ của Nguyễn Bính:
Con nó đâu rồi, bế lại đây!
Cho tôi nhìn nó một vài giây,
Trước khi nhắm mắt tôi thừa biết
Đời nó sau này… hẳn đắng cay!
Hiện tượng tương ứng “gi-“ với “tr-“ có thể thấy ở một số trường hợp trong phương ngữ Bắc: giả ~ trả, giăng ~ trăng, giầu ~ trầu, gio ~ tro, giồng ~ trồng, giời ~ trời,…
Điều này cho thấy không có chuyện nhầm lẫn từ “trăn” sang “trăng”.
Một điểm đáng lưu ý là việc đảo trật tự từ “trối trăng” <=> “trăng trối”, “giối giăng” <=> “giăng giối” không tạo ra sự thay đổi về nghĩa. Hiện tượng này thường xảy ra ở một số từ ghép đẳng lập mà trong đó hai thành phần đều có sự tương đồng về ngữ nghĩa:
- chìm đắm <=> đắm chìm
- mơ mộng <=> mộng mơ
- mơ ước <=> ước mơ
- ngây thơ <=> thơ ngây
- thẫn thờ <=> thờ thẫn
Một đặc trưng của những từ ghép đẳng lập có hai thành tố gần nghĩa là nó có nghĩa khái quát hơn so với từng thành tố. Trong khi đó, Từ điển Vietlex và Tự điển Khai Trí Tiến Đức đều giảng “trăng trối” là cách nói khái quát, nói chung về sự “trối”.
Như vậy, có khả năng “trối trăng”/“giối giăng” cũng là một từ ghép đẳng lập. Trong đó “trăng”/“giăng” trước đây cũng có nghĩa gần với “trối”/“giối”. Tất nhiên, chúng tôi cũng chỉ coi đây là một phỏng đoán mà thôi.