Tựu trung

“tựu trung”, không phải “*tựu chung”

“tựu trung” và “tựu chung” là hai cách viết có tỉ lệ xuất hiện tương đối ngang bằng. Đây là kết quả tra cứu ngữ liệu báo chí của Dự án S (đầu năm 2024):

Tổ hợpSố bài
tựu trung1.787
tựu chung1.396
tựu trung lại660
tựu chung lại728

Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1954) giảng “tựu-trung” là: 

Ở trong đó: Tựu-trung có gì ám-muội đấy

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, 1970) giảng “tựu-trung” là: 

1. Ở trong ấy. 2. Thật ra: Việc làm phải ấy ai cũng khen, nhưng tựu-trung, cũng vì lợi.

Cuốn “Giải thích các từ gần âm, gần nghĩa dễ nhầm lẫn” (Trương Chính, Nxb Giáo dục, 2005) có mục “TỰU TRUNG – CHUNG QUY”:

Tựu trung là trong đó: Học sinh điều ngoan tựu trung cũng có em bướngChung quy là rút cục lại. (Chung là hết): Chung quy chỉ có anh là thiệt. Không nhầm lẫn tựu chung và chung quy. Nói tựu trung lại là không chính xác.

Cách giảng với nghĩa “(ở) trong đó” tương đối giống với cách dùng của “tựu trung” trong tiếng Hán hiện đại. Trong tiếng Việt hiện nay, nếu nói như ví dụ của tác giả Trương Chính thì có lẽ không mấy ai hiểu.

Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý, 1999) giảng “tựu trung” là liên từ:

Từ chỉ tính chất chung nhất khái quát những điều vừa nói: Có nhiều ý kiến khác nhau, tựu trung chỉ có hai vấn đề.

Từ điển tiếng Việt (Vietlex, 2020, bản có chú chữ Hán) và Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2023) ghi nhận “tựu trung 就中” là một kết từ:

Từ biểu thị điều nêu ra sau đó là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến.

Trong bài “Tựu trung” hay “Tựu chung”, tác giả Lý Thuỷ cho rằng:

Cách giảng của Từ điển Hoàng Phê [từ điển Vietlex nêu trên] không sai, nhưng thực ra cũng chưa bám sát nghĩa cơ bản của “tựu trung”, vốn đã được Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) và Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị) giảng (trích lần lượt) như sau: “tựu-trung • ở trong đó <>Tựu-trung có gì ám-muội đấy”; “tựu-trung • trt. ở trong đó, tóm lại trong đó <>Tựu-trung vẫn không có gì lạ”.

Để chứng minh nhận định của mình, tác giả Lý Thuỷ đưa ra câu “Người ta đoán nhiều cớ về cái chết này, nhưng tựu trung chỉ có hai thuyết có thể hợp lí” (Nguyễn Công Hoan), và khẳng định là nếu thay “tựu trung” bằng “trong đó” thì hai câu vẫn hoàn toàn đồng nghĩa. Nhưng tác giả Lý Thuỷ có lẽ không để ý tới phụ từ “chỉ” đi liền sau. Nếu không có nó thì kết quả sẽ rất khác!

Hoặc với chính ví dụ của Vietlex đưa ra (“Từ tối đến giờ ngồi nói với nhau đủ mọi thứ chuyện, tựu trung vẫn là chuyện chính trị”) thì “trong đó” sẽ không thể thay cho “tựu trung” mà giữ nguyên nghĩa của câu được. Còn nếu thay thế bằng cả cụm “tóm lại trong đó” như cách giảng của từ điển Thanh Nghị thì mới có thể coi là tương đương về nghĩa. Bởi vì, “trong đó” mới chỉ là nêu sự tồn tại của các đối tượng, còn “tóm lại trong đó” là thêm cả việc phân loại những đối tượng này.

Rất tiếc là chúng tôi không có trong tay từ điển Thanh Nghị, nhưng sơ bộ có thể thấy diễn trình ngữ nghĩa của “tựu trung” như sau:

① (ở) trong đó > ② tóm lại trong đó / thật ra > ③ cái chính trong đó

Cách giải nghĩa của các từ điển Nguyễn Như Ý, Vietlex, Viện Ngôn ngữ học là theo sát cách dùng từ “tựu trung” trong tiếng Việt hiện nay, và có cũng nét nghĩa gần với từ “chung quy” mà tác giả Trương Chính nói tới.

Trở lại vấn đề “tựu trung” hay “tựu chung”.

Chúng tôi cũng nhất trí rằng: vì liên tưởng đến ý nghĩa điểm chung mà nhiều người đã viết nhầm thành “tựu chung”.

Trong “tựu trung” thì:

  • TỰU 就 có thể là “đi, đến, tụ về” hoặc “chính, đúng” (phụ từ);
  • TRUNG 中 có thể là “chỗ giữa”, “bên trong”, hoặc “vừa, thường, nhỡ”. 

Còn CHUNG 終 là “cuối cùng” (chung kết, chung quy, thuỷ chung). Ngoài ra “chung” trong tiếng Việt còn là một tính từ với các nghĩa mang tính bao quát, liên quan đến tất cả: của chung, chung sống.

Khi phủ nhận cách viết “tựu chung”, một số tác giả thường so sánh với trường hợp của cặp “tập trung – tập chung”. Họ cũng dẫn ra từ TRUNG 中 với nghĩa là ở trong, ở giữa. Nếu vậy, “tựu trung” có thể hiểu là dồn các ý kiến vào trong, vào giữa. Cách giải thích này tương ứng với giai đoạn “tựu trung” có nghĩa là “ở trong”.

Một cách giải thích khác thì cho rằng “tựu” ở đây có nghĩa là “chính, đúng”, còn “trung” là bên trong. “tựu trung” là “cái chính yếu bên trong”, từ đó suy ra cái nghĩa “điểm cốt lõi” hay “điểm chung”. Quan điểm này gần với nghĩa của “tựu trung” hiện nay hơn.

Tóm lại, từ “tựu trung” trong tiếng Việt đã có sự biến đổi về nghĩa theo thời gian. Có lẽ vì sự thay đổi này mà cũng có nhiều cách giải thích khác nhau về từ nguyên.

Còn với “tựu chung”, chúng tôi chưa thấy từ điển nào ghi nhận tổ hợp này.


Chuyên mục: