Minh hoạ "*chắp bút"

“chấp bút” chứ không *chắp bút

Tra cứu ngữ liệu Dự án S (đầu năm 2024) đối với “chấp bút” và “chắp bút“, số lượng bài lần lượt là 4.300 (bài cũ nhất từ 3/2002) và gần 1.800 (bài cũ nhất từ 7/2003). Như vậy, “chắp bút” cũng là một cách viết phổ biến nhưng liệu nó có đúng hay không?

Đại từ điển tiếng Việt (1999), Từ điển tiếng Việt (Vietlex, 2020) và Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2023) đều không ghi nhận “chắp bút” mà chỉ có “chấp bút” 執筆. 

  • Từ điển của Viện Ngôn ngữ học giảng: viết thành văn theo ý kiến đã thống nhất của tập thể tác giả.
  • Từ điển của Vietlex giảng: khởi thảo văn bản theo ý kiến đã thống nhất của một tập thể.

Vậy trong “chấp bút”, “chắp bút” thì “chấp”, “chắp”, “bút” là gì?

CHẤP 執

  • cầm, giữ, nắm (vật thể hoặc quyền lực: “chấp chính” 執政)
  • thi hành: “chấp pháp” 執法. Có lẽ giải nghĩa của các từ điển đã nêu ở trên là theo nghĩa này.

BÚT 筆

  • cái bút
  • viết, soạn, chép

CHẮP

  • “làm cho liền lại bằng cách ghép vào với nhau”

Trong tiếng Việt, bản thân “chấp” không phải là một thành tố độc lập, “chấp” với nghĩa “cầm, nắm” cũng ít xuất hiện, do đó nó dễ bị coi là một thành tố không rõ nghĩa. Theo cách giải nghĩa “chấp bút” như trên, có thể là người ta liên tưởng đến việc lắp ghép lại các ý kiến nên đã dùng “chắp” (rất gần về âm và chữ viết) để thay cho “chấp”. Thậm chí, trong các văn bản chữ Nôm trước đây, “chắp” cũng được viết là 執 hoặc sử dụng 執 làm phần biểu âm. Nếu ví mỗi cây bút là một ý kiến hoặc một cá nhân thì “chắp bút” là chắp ghép lại ý kiến của nhiều người. Xem chừng cũng hợp lí lắm chứ (!?).

Tuy nhiên, xét trên phương diện cấu tạo từ, có thể thấy rõ ràng diễn tiến ngữ nghĩa của “chấp bút”:

chấp bút = cầm bút > viết > sáng tác, soạn thảo

Do đó, “chắp bút” không phải là cách viết đúng.

Ngoài ra, trong quá trình khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy “chấp bút” không chỉ được dùng với nghĩa như trong từ điển.

1. “chấp bút” có thể là viết, soạn thảo, sáng tác:

Điếu em, chấp bút, lau dòng lệ/ Tiễn bạn, ôm đàn, đốt nén hương (Trần Văn Khê) (tienphong.vn, 2008)

Cảm xúc về những thân phận bắt gặp trên đường đời luôn khiến ông day dứt, phải chấp bút để mình đừng bị nổ tung. (nld.com.vn, 2019)

Cô vui vẻ giới thiệu với độc giả và báo giới cuốn sách do chính mình chấp bút. (vnexpress.net, 2009)

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã cầm bút từ sự thôi thúc, viết để tri ân những đồng đội không còn nữa. Cuốn hồi ký do chính tự tay ông chấp bút đã tái hiện một không gian lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng của dân tộc. (plo.vn, 2011)

Phải nói thêm là chúng tôi khá bất ngờ với cách dùng “chấp bút” theo nghĩa này. Trong bài thơ của GS Trần Văn Khê, “chấp bút” có thể hiểu là “cầm bút” hoặc “viết” theo nghĩa bóng. Trong ngữ cảnh và phong cách văn bản này thì “chấp bút” hoàn toàn không tạo cảm giác lấn cấn gì. Nhưng những trường hợp còn lại, nếu không mở rộng ngữ cảnh, rất khó để biết là “chấp bút” này là bản thân sáng tác hay là “viết theo ý kiến đã thống nhất của tập thể”. Đây cũng có thể là một trường hợp lạm dụng từ Hán Việt và vì thế mà các từ điển nếu trên đã không ghi nhận.

2a. “chấp bút” là tạo lập văn bản theo ý kiến của tập thể, người chấp bút cũng là thành viên của tập thể và thường tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến ngay từ đầu:

Tôi là người chấp bút về chương trình sữa học đường theo chỉ đạo của Thủ tướng. (daidoanket.vn, 2022)

[…] những người chấp bút của ông Obama tham vấn với nhiều người khác, trong đó có nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, để xác định xem ý tưởng có thích hợp với diễn văn hay không. (vnexpress.net, 2016)

Dự thảo thứ 3 đang được Bộ Tài chính chấp bút, mức giảm ít hơn nữa cho xe nhỏ, chỉ 5-10%, để trình Quốc hội vào kỳ họp đầu năm 2016 tới. (vietnamnet.vn, 2015)

2b. “chấp bút” là giúp người khác tạo lập tác phẩm, người chấp bút dùng ngôn từ của mình để diễn đạt lại nội dung mà người khác muốn thể hiện:

Nhiều cuốn hồi ký khác do người khác chấp bút, nhưng toàn bộ ngôn ngữ trong cuốn hồi ký này đều là của bà Nguyễn Thị Bình. Bà viết ngắn, nói ngắn, dồn nén trong từng câu chữ, không cầu kỳ, rườm rà. (vov.vn, 2012)

Chấp bút hồi ký ở ta chưa phổ biến như một nghề, bạn đọc chỉ mới biết đến công việc này nhờ lùm xùm tự truyện, hồi ký của một vài văn nghệ sĩ. (tienphong.vn, 2016)

Thông thường, người chấp bút thường ẩn danh. […] Số người chấp bút được đứng tên tác giả khá ít, chủ yếu là những nhà văn tên tuổi […] (cand.com.vn, 2021)

Người chấp bút giúp tôi cũng đồng cảm mới viết được như thế. Nghe tôi tâm sự xong, về cô ấy thức cả đêm viết rồi sáng đưa tôi coi […] (vnexpress.net, 2006)

Cuốn Lê Vân yêu và sống do nhà thơ Bùi Mai Hạnh chấp bút, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. (vnexpress.net, 2006)

Ngoài ra, chúng tôi còn thấy một số bài sử dụng “chấp bút” với nghĩa là vẽ, sáng tác mĩ thuật, thiết kế:

Một số hoạ sĩ trẻ như Vũ Hoàng, Trần Thế Mạnh, Nguyễn Phương Thảo, Vũ Tuấn Việt và cả hoạ sĩ tên tuổi Đoàn Xuân Tùng cũng đã chấp bút góp phần làm nên bức vẽ độc đáo này. (zingnews.vn, 2023)

Những mẫu xe gọn gàng, cá tính, được chấp bút bởi hai studio danh tiếng của Ý là Torino Design và Ital Design. (thanhnien.vn, 2021)

Còn trong nghệ thuật thư pháp, “chấp bút” là thuật ngữ dùng để chỉ cách cầm bút: ngũ chỉ chấp bút (cầm bút bằng 5 ngón tay).

Chúng tôi cũng thấy hiện tượng lặp từ, dùng từ dư thừa:

Chủ trương này do Bộ Kế hoạch – Đầu tư chấp bút soạn thảo trình Chính phủ. (tienphong.vn, 2010)

Ông Tuấn không chỉ chấp bút viết bản dự thảo đó mà còn đóng góp nhiều ý tưởng vào bộ quy tắc đó. (vov.vn, 2015)

Đây là hiện tượng khá phổ biến khi sử dụng từ Hán Việt: “đường quốc lộ”, “người thổ dân”, “người nghệ nhân”, “gia nhập vào”, “làm thực hành”, … 

Ngoài ra cũng có một số trường hợp lạm dụng mà không hiểu nghĩa:

Từ năm 2020, “gã khổng lồ trực tuyến” chấp bút ký hợp đồng với UpperRoom Productions […] (zingnews.vn, 2022)

Tôi chỉ là người chấp bút ký rồi sau đó bảng phân công còn phải báo cáo VFF. (thanhnien.vn, 2016)

Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, chúng tôi không bình luận gì thêm.


Chuyên mục: