Thống kê số lượng đơn vị hành chính

10 điều có thể biết từ danh mục đơn vị hành chính

Nhìn vào danh mục các đơn vị hành chính (ĐVHC) tại danhmuchanhchinh.gso.gov.vn là có thể có câu trả lời để tạo ra các bài viết mang tính câu viu.

Ví dụ như:

  • Tỉnh nào có nhiều thành phố trực thuộc nhất?
  • Tỉnh nào có ít ĐVHC cấp xã nhất?
  • Huyện nào không có ĐVHC cấp xã?
  • v.v.

Để có các câu trả lời, anh dùng cách nhanh nhất mình biết là Python và PostgresSQL, kết hợp với công cụ Sắp xếp của Dự án S.

Thống kê số lượng đơn vị hành chính các cấp
Kết quả sẽ được chép & dán vào công cụ sắp xếp tại s.ngonngu.net

Và đây là 10 điều có thể biết từ danh mục đơn vị hành chính lấy tại danhmuchanhchinh.gso.gov.vn vào cuối tháng 10/2023.

1. Cả nước có 10.598 ĐVHC cấp xã (8.207 xã, 1.771 phường và 620 thị trấn), 705 ĐVHC cấp huyện (524 huyện, 46 quận, 52 thị xã, 82 thành phố thuộc tỉnh và 01 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), và 63 ĐVHC cấp tỉnh (05 thành phố trung ương và 58 tỉnh).

2. Tỉnh nào cũng có ít nhất một thành phố trực thuộc.
Thông tin có ngoài danh mục: Đắk Nông là tỉnh có thành phố trực thuộc muộn nhất – thành phố Gia Nghĩa, năm 2019.

3. Quảng Ninh và Bình Dương là hai tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất (04 thành phố).
Thông tin có ngoài danh mục: Tỉnh Bình Dương được đưa lên đồng hạng nhất nhờ việc thành lập thành phố Tân Uyên vào đầu năm 2023. Hai tỉnh này sẽ tiếp tục so kè ở vị trí thứ nhất khi mà huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) và thị xã Bến Cát (Bình Dương) cũng đang trong lộ trình nâng cấp lên thành phố. Nhìn vào tình hình hiện tại thì có vẻ Bình Dương sẽ sớm dẫn trước.

4. Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất có thị xã (Sơn Tây).
Thông tin có ngoài danh mục: Trước đây thị xã Sơn Tây đã từng thuộc thành phố Hà Nội (1978 đến 1991). Năm 2007, thị xã Sơn Tây được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tây. Nhưng năm 2008 thì Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội và 2009 thì Sơn Tây lại trở thành thị xã.

5. Tp HCM là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất có thành phố trực thuộc (Thủ Đức).
Thông tin có ngoài danh mục: Thành phố Thủ Đức là thành phố đầu tiên của Việt Nam thuộc loại hình ĐVHC thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

6. Không có ĐVHC cấp tỉnh nào có đến 4 loại hình ĐVHC cấp huyện: huyện, quận, thị xã, thành phố (gọi chung cho thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).
Thông tin có ngoài danh mục: Hà Nội dự kiến thành lập hai thành phố trực thuộc (một ở khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, một ở khu vực Hoà Lạc, Xuân Mai). Nếu điều này thành hiện thực và Sơn Tây vẫn là thị xã thì Hà Nội sẽ có 4 loại ĐVHC cấp huyện.

7. Tất cả các ĐVHC cấp tỉnh đều có ít nhất từ 2 huyện trở lên. Trong đó, ít nhất là Đà Nẵng (02) và nhiều nhất là Thanh Hoá (23).

8. Hà Nội là địa phương có nhiều ĐVHC cấp huyện và cấp xã nhất (con số tương ứng là 30 và 579). Đứng thứ 2 là Thanh Hoá (27 và 559), nhưng nếu chỉ tính riêng xã thì Thanh Hoá có nhiều nhất (469), nhất luôn cả số thị trấn (30).

9. Hà Nam là địa phương có ít ĐVHC cấp huyện nhất (06) nhưng Đà Nẵng mới là địa phương ít ĐVHC cấp xã nhất (56).

10. Có 05 ĐVHC cấp huyện không có ĐVHC cấp dưới: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), và Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Thông tin có ngoài danh mục: Đây là đều là các huyện đảo trong tổng số 12 huyện đảo của cả nước.

Một chiếc truy vấn hơi bị cồng kềnh

Ở khía cạnh ngôn ngữ học thì có thể khảo sát về cách đặt tên ĐVHC, trong đó có cả những vấn đề về sự thiếu thống nhất trong cấu trúc tên gọi.


Chuyên mục:

,