Thùng rỗng kêu to

Quyết tâm xây dựng hoạt động Đoàn – Hội khoa Tâm lý học vững mạnh!

Hình như thằng ku dinhhungtt mới ngủ dậy sau một đêm chát chít. To mồm thế! Sắp ra trường rồi có khác…

Bây giờ hình như càng ngày càng khó tìm ra được những người vô tư, vác tù và hàng tổng như ngày trước. Đúng là các hoạt động tập thể, các phong trào chung bây giờ nặng về hình thức, nhiều nơi làm cốt để có thành tích báo cáo cấp trên. Và thế là người ta đổ hết tội lên đầu những người lãnh đạo. Nhưng thử nhìn lại xem. Bây giờ ai cũng lo cơm-áo-gạo-tiền. Đối với nhiều người, việc gì không có lợi thì nhất quyết không làm, hoặc làm hời hợt (mà các hoạt động tập thể thì khó nhìn ngay ra cái lợi lắm!). Thậm chí, nếu có ai đó chịu hi sinh quyền lợi cá nhân thì họ còn dè bỉu, nào là sĩ diện rởm, nào là dại dột, ngu ngốc, nào là đạo đức giả kiểu bỏ con tép bắt con tôm.

Có thể vì thế mà hiện nay nhiều người không có kĩ năng làm việc tập thể. Tư duy làm việc cũng ích kỉ, chỉ biết làm lợi cho mình mà không thèm đếm xỉa đến tập thể. Tham nhũng, cửa quyền, chia kéo bè cánh cũng từ đó mà ra cả.

Để giải quyết được điều này, trước tiên cần có sự lãnh đạo tốt. Lãnh đạo là do tập thể bầu lên, là người đại diện cho tập thể. Muốn có lãnh đạo tốt thì tập thể phải lựa chọn sáng suốt. Đáng buồn là hiện nay việc bầu chọn lãnh đạo tồn tại rất nhiều sai lầm. Thứ nhất là sự dễ dãi hoặc toan tính sắp đặt trong việc đề cử, giới thiệu. Như vậy là mất dân chủ. Thứ hai, ngược lại, tập thể cũng không sử dụng hết quyền dân chủ của mình. Cụ thể là hiếm khi có người tự ứng cử (đó không phải là khiêm tốn mà là tự ti, hèn nhát); khi có người tự ứng cử thì cái tập thể luôn có tâm lí cào bằng kia lại có ý kiến tiêu cực: tay này tham quyền, hám vị; thứ nữa là tập thể có thái độ hời hợt, cảm tính và có tư tưởng “cho qua” trong việc bầu cử… Vì thế mà chất lượng lãnh đạo không cao (về năng lực, đạo đức).

Tiếp theo là phải có những quy định, chính sách đúng đắn, rành mạch và công bằng về trách nhiệm và quyền lợi, về thưởng và phạt. Thưởng nhiều và phạt nặng có thể là một giải pháp mạnh?

Khi đã có lãnh đạo tốt, chính sách hợp lí thì cần phải tiếp tục nâng cao niềm tin và sự quan tâm của quần chúng; làm rõ, nêu bật những lợi ích mà công việc tập thể có thể đem lại; và cần thiết phải có sự cân bằng trong về dung lượng và thời gian giữa hoạt động tập thể và việc học tập. Ví dụ như cần phải sắp xếp thời gian hợp lí, không gây ảnh hưởng tới thời gian học tập, sinh hoạt cá nhân; chấm dứt tình trạng ngày mai hết hạn mà hôm nay mới nhận được thông báo;…

Rõ ràng đây là một sự cải cách và cần phải tốn nhiều thời gian, công sức, không chỉ của một vài cá nhân mà phải là cả tập thể. Muốn vậy, mỗi cá nhân trước hết cần nhìn lại chính bản thân mình, nâng cao ý thức tự giác và luôn ghi nhớ Câu chuyện bó đũa đã được học từ lớp 2.


Chuyên mục: