Mua NAS mới là một quyết định ngoài kế hoạch sau khi anh nếm quả đắng với cái hộp Orico DS500U3 – quạt kêu to như bếp khò và ổ cứng thì nóng như cái lò.
Dăm năm trước anh cũng mua một cái NAS là WD My Cloud EX2. Lí do anh mua cái này là vì anh thích dùng ổ cứng của WD. Tuy nhiên khi lắp vào EX2 thì nhiệt độ ổ cứng lúc nào cũng loanh quanh 50 nên anh phải mua thêm một cái đế tản nhiệt thổi thốc đít cho nguội bớt. Cái EX2 này anh dùng chỉ để sao lưu dự phòng là chính chứ hiếm khi truy cập từ xa vì nó quá chậm so với các dịch vụ đám mây. Nói chung, đây là một khoản đầu tư không hiệu quả.
Bây giờ anh vẫn chuộng ổ WD nhưng lần này thay vì mua NAS của WD thì anh chuyển sang Synology. Sau khi cân đong đo đếm đủ mọi nhẽ thì anh quyết định là mua DS418.
Mục đích sử dụng
Về giá thì DS418 được Synology xếp vào nhóm tiết kiệm. Về tính năng thì DS418 không có những cái giải mã video, khe cắm mở rộng. Nhưng những thứ đó không cần thiết lắm so với nhu cầu của anh.
Thứ anh cần là một chiếc NAS như tên gọi của nó, cho hai mục đích chính:
- Dùng làm ổ cứng để lưu toàn bộ ảnh đã được xử lí và bàn giao;
- Kết nối từ xa với tốc độ tối đa của đường truyền Internet.
Nhìn chung, DS418 đã đáp ứng được hai mục đích này, anh sẽ nói rõ hơn ở cuối bài.
Cài đặt truy cập từ xa
Về cơ bản thì việc truy cập nội bộ không có vấn đề gì. Mọi thứ rất trơn tru và dễ dàng.
Nhưng đến khi truy cập từ xa thì kinh hoàng. Dù anh đã thử mọi cách mà trên mạng hướng dẫn nhưng vẫn không dùng QuickConnect được. Trong lúc tuyệt vọng thì chợt biết là còn một cách truy cập từ xa khác là External Access.
Đại loại là phải dùng một dịch vụ Dynamic DNS để trỏ tên miền vào IP động của mình. Ban đầu anh dùng thử no-ip (miễn phí) nhưng thấy tên miền khó nhớ, lại phải xác nhận hàng tháng nên chuyển qua Google DDNS để dùng tên miền riêng.
Có tài khoản DDNS rồi thì cũng chưa xong. Còn phải chui vào router để cấu hình NAT.
Thực ra mấy cái này rất dễ nhưng vì không biết nên cũng phải loay hoay cả tiếng mới xong.
Đánh giá ban đầu
Tốc độ truy cập qua mạng nội bộ trên dưới 100MB/s. Nếu ảnh không có sẵn preview thì việc duyệt ảnh raw trên Lightroom sẽ khá chậm. Nhưng do NAS dùng để lưu những ảnh mà trước đó đã xử lí trên ổ cứng gắn trong nên thường là có sẵn preview. Vì thế việc duyệt ảnh trên Lightroom sẽ tương đối dễ chịu. Tất nhiên, nếu muốn xử lí những bức ảnh định dạng PSD nặng hàng GB thì anh sẽ chép tạm vào ổ SSD cho lành.
Còn khi truy cập từ xa, cụ thể là từ Paratime Studio, anh có thể tải với tốc độ 8MB/s. Tính ra, để tải một GB ảnh từ nhà thì chỉ mất hơn 2 phút. Kể cũng không quá lâu.
Anh mất hơn 2 ngày để chép 14TB dữ liệu lên NAS mới. Có một điều khá bất ngờ là tuy quạt để ở chế độ im lặng (mà đúng là êm thật) nhưng nhiệt độ ổ cứng sau nhiều giờ liên tục chép dữ liệu chỉ là 38 độ C. Thấp hơn ít nhất là 10 độ so với WD My Cloud EX2.