chỉnh chu?

“chỉn chu” đã có, liệu có cần thêm “chỉnh chu”?

Khảo sát ngữ liệu báo chí của Dự án S, chúng tôi thấy trường hợp viết “chỉn chu” có khoảng 23.000 bài, còn viết “chỉnh chu” có khoảng 1.600 bài.

Thời gianSố bài
“chỉn chu”“chỉnh chu”
2000-2009667
2010-20153.119290
20161.616145
20171.561120
20181.846139
20192.531173
20203.250241
20213.560237
20223.408210
20232.243103
Thống kê sơ bộ về số lần xuất hiện của hai tổ hợp qua các năm

(Trong thống kê trên thì số lượng bài cụ thể chỉ mang tính chất tương đối vì còn phụ thuộc vào lượng dữ liệu thu thập được trong năm.)

“chỉn” có nghĩa là gì?

Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý, 1999) giảng:

chỉn chu t. (Làm việc) chu đáo, cẩn thận. Dù tham gia công tác xã hội bận rộn, nhưng chị vẫn chỉn chu việc nhà • Người nào người ấy vẫn miệt mài, chỉn chu, tận tâm, tận lực với công việc.

Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2003 & 2023) giảng:

chỉn chu t. Chu đáo, cẩn thận, không chê trách gì. Làm ăn chỉn chu. Tính toán rất chỉn chu. Chỉn chu với vợ con.

Từ điển tiếng Việt (Vietlex, 2020) cũng giảng với định nghĩa tương tự.

Hiện nay, trong khi “chu” có mặt ở các từ được sử dụng thường xuyên như “chu đáo”, “chu toàn”, “chu tất” thì “chỉn” hầu như không xuất hiện ở đâu khác ngoài từ “chỉn chu”.

Điều này là do “chỉn” là một từ cổ.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (Huình Tịnh Của) giảng:

㐱 Chỉnn. Tiếng trợ từ, chỉ nghĩa là vốn thiệt; mà thôi.
chỉn thiệt. Vốn thiệt.
chỉn e. Còn sợ, một sợ.
chỉn ghê. id. Nên ghê gớm.

Việt Nam tự điển (Khai Trí Tiến Đức) giảng:

Chỉn. Vốn, vẫn (tiếng trợ-từ): Chỉn e đường xá xa-xôi (K).

Tự điển chữ Nôm dẫn giải (Nguyễn Quang Hồng) đưa ra hàng loạt tác phẩm có chữ 㐱chỉnCư trần lạc đạo phú, Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, Tân biên Truyền kì mạn lục, Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Quốc âm thi tập, Hồng Đức Quốc âm thi tập. Còn trong Truyện Kiều, nó có bốn lần xuất hiện. Tự điển này cho rằng 㐱chỉn có hai nghĩa: “Chỉ có, duy chỉ” và “Vốn dĩ là, bèn là”.

Từ điển tiếng Việt (Vietlex, 2020) giảng:

chỉn p. [cũ, vch] ① vốn, thật ⬩ “Đạo trời, báo phục chỉn ghê, Khéo thay một mẻ tóm về đầy nơi” (TKiều) ⬩ “Thấy loài vật bé chỉn thương thay, Tăng viện bèn cho ngụ tháng ngày.” (LTKN). ② chỉ ⬩ “Chỉn e quê khách một mình, Tay không chưa dễ tìm vành ấm no!” (TKiều) ⬩ “Thân em như chiếc thuyền be, Chỉn e gió ngược, thêm dè sóng xao.” (Cdao).

Còn “chu” có một nghĩa liên quan tới tổ hợp được Đại từ điển giảng là: “Đầy đủ, cẩn thận, không sơ suất”.

Từ điển Vietlex giảng:

t. [kng] đầy đủ và đạt mức yêu cầu, có thể làm cho yên tâm, hài lòng ⬩ được thế này là chu lắm

Như vậy, “chỉn chu” = “vốn dĩ” + “không sơ suất”. Nói như kiểu bây giờ thì “chỉn chu” là “không có gì ngoài cẩn thận”.

“chỉnh chu” có phải là một từ mới?

Nhưng dù sao thì “chỉn” vẫn là thành tố mờ nghĩa và như vậy cũng dễ bị người ta tìm một thành tố khác để thay thế. Và “chỉnh” – một từ phổ biến, gần giống về phát âm và chữ viết, lại có nghĩa liên quan là “chuẩn xác” – đương nhiên là lựa chọn không thể hợp lí hơn.

Từ điển từ mới tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2002) đã thu thập tổ hợp “chỉnh chu”:

chỉnh chu t. Nghiêm chỉnh, cẩn thận, không chê trách gì được; chỉn chu. “(…) anh thật nghiêm túc, cần cù. Bản thảo anh làm chỉnh chu, khó bắt được lỗi, kể cả những dấu phẩy ngắt đoạn.” [Văn Hồng, Vnghệ, s.46, 14/11/1998, tr.5]. “Ăn vận chỉnh chu mà như vẫn thấy tênh toàng.” [Cao Năm, NHNội, s.13, 29/3/1997, tr.1]. “Đá hoa cương đen bóng loáng như gương, chữ chạm khắc chỉnh chu tới mức lạnh sắc (…).” [Trần Khánh Chương, MTTnay, s.13, 1/1997, tr.46].

Từ điển này cũng để “chỉn chu” sau dấu chấm phảy trong phần định nghĩa. Vì phần miêu tả cấu trúc mục từ không nhắc tới cách trình bày này nên chúng tôi đoán “chỉn chu” được nhắc tới với vai trò là từ đồng nghĩa.

Theo định nghĩa của Từ điển từ mới thì “chỉnh chu” về cơ bản cũng gần như là “chỉn chu”, điểm khác là nhấn mạnh vào nét nghĩa “nghiêm chỉnh” (tạm hiểu là tuân theo nguyên tắc, quy định). Cộng với những ngữ cảnh mà từ điển này trích dẫn, có thể thấy “chỉnh chu” ý nghĩa thiên về miêu tả cách làm việc hay hình thức bề ngoài. Nhưng nếu viết “chỉn chu” trong các ví dụ này thì nghĩa của câu cũng hoàn toàn không thay đổi.

Ngoài ra, không chỉ dùng để miêu tả vẻ bề ngoài hay cách làm việc thì “chỉn chu” còn hay được dùng để nhận định về thái độ, tình cảm. Điều này có thể thấy ngay trong các ví dụ của Từ điển Vietlex:

chỉn chu t. chu đáo, cẩn thận, không chê trách gì được ⬩ quần áo chỉn chutính toán rất chỉn chuchỉn chu với vợ con

Như vậy, xét về nghĩa thì “chỉnh chu” không có nét khu biệt đáng kể với “chỉn chu”. Còn nếu coi đây là một trường hợp đồng nghĩa thì cũng khá khiên cưỡng, bởi nó có hình thức (chữ viết và phát âm, đặc biệt là trong phương ngữ Nam) rất giống với “chỉn chu”.

Tóm lại, mặc dù “chỉnh chu” đã được Từ điển từ mới ghi nhận từ hơn 20 năm trước nhưng tổ hợp này vẫn cần có thêm thời gian để có thể là một từ mới.


Chuyên mục: