“cắt phế” hay “thu phế” là những từ lóng dùng để chỉ việc lấy tiền để bảo kê hoặc môi giới cho các hoạt động bất hợp pháp. “phế” có thể là cách nói trại đi của “phí”.
Khảo sát ngữ liệu báo chí của Dự án S chúng tôi thấy “cắt phế” xuất hiện trước (bài cũ nhất vào ngày 17/01/2010):
Một cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, ngoài “cắt phế” của gái bán dâm, chủ đường dây này còn yêu cầu khách phải trả thêm một khoản tiền nhất định nếu muốn sở hữu các cô gái trong đường dây.
Đường dây mại dâm cao cấp của má mì 9X (VnExpress, 17/01/2010)
Thời gian đầu, “cắt phế” chủ yếu được dùng với nghĩa là thu tiền môi giới, bảo kê cho các hoạt động bất hợp pháp như mại dâm, cờ bạc.
Về sau, “cắt phế” còn được dùng để chỉ hành vi hối lộ:
“Cắt phế” là tiếng lóng để chỉ việc một nhà thầu, đơn vị thi công phải hối lộ chủ đầu tư, nhà thầu chính, tư vấn, kỹ thuật A, kỹ thuật B khi muốn “qua cửa”. Khoản “cắt phế” chẳng có gì mới, nhưng càng ngày càng nghiệt ngã.
Nhà thầu ‘chết thảm’ vì nạn ‘cắt phế’ (Tiền Phong, 10/12/2012)
Chuyện cầu thủ bị “cắt phế” khi ký hợp đồng mới ở V.League đã được nhắc đến nhiều. Cầu thủ muốn được thi đấu phải có “quà” cho HLV cũng không lạ.
Ai xui Công Vinh đem 50 triệu đồng biếu HLV Lê Thuỵ Hải? (Pháp Luật, 24/4/2015)
Còn “thu phế” xuất hiện sau, theo ngữ liệu của Dự án S thì muộn nhất vào cuối 2012. Từ này dùng để chỉ việc thu phí vào cửa sòng bạc:
Đợi lúc nửa đêm, nhân viên và chủ hàng về hết, Nghị sẽ gọi các con bạc tới. Phí vào cửa Nghị thu mỗi người 50.000 đồng. Thu phế xong, Nghị cũng tham gia đánh luôn.
4 ‘bóng hồng’ trong sới bạc ở nhà hàng (ZingNews, 12/9/2013)
“thu phế” còn được dùng để chỉ hành vi cưỡng đoạt tài sản thông qua việc tự ý tổ chức thu phí đối với các hoạt động hợp pháp:
Vũ Xuân Tuấn là đối tượng cầm đầu băng nhóm chuyên “bảo kê” cho cát tặc, thu phế của các doanh nghiệp khai thác cát sỏi dọc sông Lô
Bắt trùm “bảo kê” cát sỏi trên sông Lô (VOV, 08/9/2014)
Nhiều cơ sở hoả táng tố cáo Đường “Nhuệ” thu phế 500.000 đồng/ca hoả táng.
Đường “Nhuệ” bị khởi tố thêm tội “Cưỡng đoạt tài sản” (Người Lao Động, 22/4/2020)
Cường “Dụ” đã thu nạp một số đối tượng hình sự, nghiện ngập khác làm đàn em, bảo nhau đứng ra bảo kê, thu phế cả xe khách liên tỉnh lẫn nội tỉnh.
‘Đầu gấu’ Cường ‘Dụ” vừa bị bắt ở Thái Bình là ai? (Thanh Niên, 15/12/2020)
[…] hiện tất cả các diện tích đất ven sông đều là đất công nhưng đã có chủ hay thậm chí là được bảo kê. Ai muốn ra vào cũng không phải việc dễ dàng.
Ông B thông tin, chỉ cần có người dân đặt chân đến cắm trại, vui chơi vãn cảnh ngay lập tức sẽ có các nhóm người đến “thu phế”.
Giải mã bí ẩn về đoàn xe ngày đêm chở phế thải lấp sông Hồng (Lao Động, 18/7/2022)
Và đầu năm 2024, “cắt phế”, “thu phế” được dùng để chỉ việc ai đó lấy danh nghĩa trung gian để đòi được chia (thường là bất hợp pháp) một phần từ số tiền hợp pháp mà người khác đáng ra phải được hưởng toàn bộ:
Trước đó Như Phương lên tiếng tố HLV của mình đã bắt cô cắt phế từ tiền thưởng huy chương. Phương phải chia phần trăm tiền thưởng cho HLV phụ trách trực tiếp của cô ở bộ môn TDDC thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội.
Vụ HLV bị tố: Không có chuyện đội tuyển TDDC Việt Nam bắt VĐV cắt phế tiền thưởng (Thanh Niên, 15/01/2024)
Cùng với đó, cô đã tố cáo HLV Nguyễn Thùy Dương “thu phế” 10% tiền thưởng từ tiền thưởng huy chương ở các giải đấu mà cô có thành tích. Với các khoản thưởng nóng, con số này lên tới 50%.
Huấn luyện viên ‘thu phế’ tiền thưởng vận động viên thể dục dụng cụ làm gì? (Tiền Phong, 17/01/2024)
Trong khoảng 13 năm qua, “cắt phế” và “thu phế” không xuất hiện nhiều trên báo chí. Tuy nhiên, qua khảo sát này chúng ta vẫn có thể thấy hai tổ hợp này đã có sự thay đổi theo hướng mở rộng nghĩa và phạm vi hoạt động.