"dậm dật", "giậm giật" hay "rậm rật"?

“dậm dật”, “giậm giật” hay “rậm rật”?

Sáng mùa đông vừa xì xụp bát phở vừa tranh thủ lướt mạng thì thấy vụ bà con sì sụp vái lạy cọng cỏ biết tự ngọ ngoậy, anh chợt phát hiện ra là “xì xụp” với “sì sụp” đều đúng chính tả mà nghĩa lại khác nhau. Thế là về Paratime Studio, anh tìm vội những các cặp từ láy tương tự như vậy, cụ thể là các cặp âm đầu dễ bị sai chính tả: S/X, Ch/Tr, D/Gi/R.

Cách làm vẫn là dùng Python để quét danh sách hơn ba vạn từ ghép. Sau đó thì dùng từ điển của Vietlex (2020) để tham khảo, đối chiếu.

1. Cặp S/X

Có 10 (hoặc 11) cặp được coi là như nhau và 03 cặp có nghĩa khác nhau.

Các cặp được coi là cùng một từ, chấp nhận cả hai cách viết:

  1. sa sả = xa xả
  2. xăm xắn = săm sắn
  3. xề xệ = sề sệ
  4. sàm sỡ = xàm xỡ
  5. sâm sẩm = xâm xẩm
  6. sổng sểnh = xổng xểnh
  7. xù xì = sù sì
  8. súc sắc = xúc xắc
  9. sum suê = xum xuê
  10. suýt soát = xuýt xoát

Trong danh sách trên thì từ đứng trước là từ được Vietlex giải nghĩa (tức là biến thể chính thức). Riêng cặp “sào sạo” và “xào xạo” thì Vietlex không ghi nhận “sào sạo” mà chỉ có “xào xạo” thôi. Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, 1999) thì có cả hai từ này với cùng nghĩa. Anh tra một số từ điển trên mạng thì thấy cũng có “sào sạo” và nó cùng nghĩa với “xào xạo”.

Còn 03 này là hai từ khác nhau:

  1. sầm sì ≠ xầm xì
  2. sè sè ≠ xè xè
  3. sì sụp ≠ xì xụp

2. Cặp Ch/Tr

Cặp này chỉ có 4 (hoặc 5) từ.

Các cặp là các cách viết của cùng một từ:

  1. tròng trành = chòng chành
  2. chống chếnh = trống trếnh
  3. chùng chình = trùng trình

(Các) cặp là hai từ khác nhau:

  1. chèo chẹo ≠ trèo trẹo
  2. chờn chợn ≠ !trờn trợn (?)

Từ điển Vietlex chỉ có “chờn chợn” với giải nghĩa rất ngắn gọn là “hơi chợn” với ví dụ thể hiện nghĩa là “hơi sợ hãi”. Từ điển này không ghi nhận trường hợp “trờn trợn”. Nhưng Đại từ điển tiếng Việt có mục này với nghĩa “trợn (mức độ giảm nhẹ), và một số từ điển trên mạng có ghi nhận “trờn trợn” với nghĩa là “hơi trợn mắt”. Nói chung là cả hai từ láy này đều hình thành theo cơ chế láy hoàn toàn một âm tiết để tạo từ mới, nhưng do có thay đổi thanh điệu nên ý nghĩa được giảm bớt so với thành tố gốc.

3. Các cặp D/R, D/Gi, và R/Gi

Kết quả tìm kiếm ra khá nhiều, vì anh bận đi chụp ảnh nên chỉ tạm liệt kê ra đây mà không kiểm tra hay đối chiếu thêm.

3.1. D/R

  1. dã dượi – rã rượi
  2. dành dành – rành rành
  3. dào dạt – rào rạt
  4. dăn deo – răn reo
  5. dâm dấp – râm rấp
  6. dậm dật – rậm rật
  7. dần dần – rần rần
  8. dập dờn – rập rờn
  9. dầu dầu – rầu rầu
  10. dẽ dàng – rẽ ràng
  11. dí dỏm – rí rỏm
  12. dù dì – rù rì
  13. dúm dó – rúm ró
  14. dun dủi – run rủi
  15. dún dẩy – rún rẩy
  16. dút dát – rút rát

3.2. D/Gi

  1. dằn dỗi – giằn giỗi
  2. dăng dăng – giăng giăng
  3. dấm dúi – giấm giúi
  4. dậm dật – giậm giật
  5. dập dờn – giập giờn
  6. dâu da – giâu gia
  7. dóng dả – gióng giả
  8. dối dăng – giối giăng
  9. dở dói – giở giói
  10. dục dặc – giục giặc
  11. dúi dụi – giúi giụi

3.3. Gi/R

  1. giàng giàng – ràng ràng
  2. giậm giật – rậm rật
  3. giần giật – rần rật
  4. giập giờn – rập rờn
  5. giéo giắt – réo rắt
  6. giòn giã – ròn rã
  7. giôn giốt – rôn rốt

3.4. D/Gi/R

Chỉ có hai cặp ba và mỗi cặp này đều cùng là một từ:

  1. rậm rật = dậm dật = giậm giật
  2. dập dờn = giập giờn = rập rờn

Túm lại thì muốn viết đúng chính tả thì vẫn phải đọc nhiều sách báo đã được biên tập tử tế và chịu khó tra từ điển thôi.


Chuyên mục: