Hồi năm thứ nhất đại học anh đã cùng chúng bạn làm cái gọi là “báo cáo khoa học”. Nhưng phải đến năm cuối thì chúng anh mới được dạy môn Phương pháp nghiên cứu khoa học, mà môn này chẳng qua cũng là để cho đủ số đơn vị học trình để sinh viên tốt nghiệp.
Như thế tức là năm thứ nhất chúng anh phải tự tìm hiểu về cách làm, vì không phải giáo viên hướng dẫn nào cũng có thời gian để cầm tay chỉ cho từng thao tác một. Cách phổ biến nhất là xem người đi trước làm như nào thì mình làm theo, sai thì sửa. Tất nhiên, tinh thần là chỉ bắt chước về hình thức trình bày thôi chứ không phải là sao chép nội dung.
Cách “học” đó đương nhiên là không bài bản, hời hợt bề ngoài, thiếu hiệu quả và làm nảy sinh nhiều hệ luỵ. Ví dụ, nguyên cái chuyện ghi nguồn trích dẫn thì mỗi sách một kiểu nên đến khi áp dụng thì sẽ bị lẫn lộn lung tung. Tệ hơn là chẳng có ai dạy cho biết như thế nào là trích dẫn, như thế nào sẽ bị coi là đạo văn. Sự nhầm lẫn đó rất dễ xảy ra khi đang ở giai đoạn mò mẫm bắt chước. Chưa kể, trước đó không lâu khi còn là học sinh, chúng anh vẫn hồn nhiên chép văn mẫu vào bài làm của mình.
Đó là chuyện của mười lăm, mười bảy năm trước. Có lẽ sinh viên bây giờ sẽ được dạy dỗ bài bản hơn về phương pháp nghiên cứu và nghiêm khắc hơn về đạo đức nghề nghiệp.
Nhưng trong từng đó năm, và những thế hệ trước đó, trong số những người làm nghiên cứu, liệu có ai chỉ vì thiếu kĩ năng mà đã vô tình trở thành kẻ đạo văn không? Nếu có thì hẳn là họ đang phải sống trong sợ hãi vì rất có thể một ngày nào đó sẽ có người phát hiện và đem ra bêu riếu, kiện cáo cho thân bại, danh liệt.
Còn anh, khi chụp ảnh anh có bắt chước, sao chép ý tưởng không? Nếu chụp dạng ảnh hồ sơ doanh nghiệp thì anh khẳng định ngay là có tham khảo, bắt chước, nhưng luôn kèm với những điều chỉnh theo thực tế chứ không phải là sao chép kiểu như chép tranh. Thậm chí, nhiều khi muốn khác cũng khó. Bởi vì hoạt động của các doanh nghiệp cơ bản đã là giống nhau, nhân loại thì đã chụp cả triệu cái ảnh rồi, giờ mà nghĩ ra một cái gì hoàn toàn mới, hoàn toàn khác lạ, không bị trùng lặp thì quả thực là rất tốn kém. Đó cũng là lí do mà ảnh quảng cáo – một thể loại khác – lại kì công và đắt đỏ như vậy.
Và điều quan trọng là doanh nghiệp có hình ảnh thật, của chính mình chứ không phải là dùng ảnh của người khác – một việc làm khá phổ biến và tưởng như vô hại nhưng lại có thể bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, thậm chí là gian dối, lừa đảo khách hàng.
Bình luận