Trông tự nhiên hơn cả sắp đặt

Nếu như trí tưởng tượng và khả năng làm việc tập thể giúp loài người trở thành bá chủ thế giới thì sản nhẩm nhân tạo là minh chứng cho những bước tiến văn minh của con người. Trong khi khả năng tưởng tượng là vô tận thì nguồn tài nguyên tự nhiên lại là hữu hạn. Bởi thế, tuy năng lực sản xuất nhân tạo ngày càng phát triển nhưng những gì được coi là tự nhiên hoặc có nguồn gốc tự nhiên hầu hết đều được định giá cao hơn.

Chụp ảnh cũng vậy. Chỉ khi bất lực hoặc gặp phải những giới hạn thì người ta mới dàn dựng hoặc cắt ghép hình ảnh. Thậm chí, có những thể loại không chấp nhận những hành vi can thiệp này, như ảnh phố/đời thường, ảnh báo chí.

Ảnh quảng cáo vốn chủ yếu là dàn dựng, sắp đặt. Nhưng ngay cả khi dàn dựng đến mức phi thực tế thì cả người chụp, người quảng cáo và người xem quảng cáo cũng đều đề cao yếu tố tự nhiên của khoảnh khắc. Thiếu đi nét tự nhiên, bức ảnh nếu không vô hồn thì cũng là một sản phẩm lỗi. Tất nhiên, điều này đòi hỏi nhiều yếu tố từ ý tưởng, năng lực dàn dựng, khả năng diễn xuất, sự nhạy cảm của người chụp,… và cả sự may mắn.

Hồi đầu tháng anh chụp quảng cáo cho một trung tâm tiếng Anh, theo hợp đồng thì không có khoản chụp toà nhà. Nhưng hôm khảo sát địa điểm, anh tiện mồm bảo là nếu chụp thì phải dùng drone mới chụp được. Thế là tuy đã nghiệm thu xong sản phẩm, xuất hoá đơn và hẹn ngày lấy tiền, anh vẫn đợi đến một sáng mùa đông nắng vàng lung linh đẹp đẽ để thực hiện lời hứa ngoài hợp đồng của mình.

Trong 60 giây đầu tiên từ khi cất cánh, anh loay hoay xác định độ cao của các vật cản xung quanh (nhà, đèn đường), lựa chọn khoảng cách và góc chụp. Xong xuôi tất cả, đang lúc bay vào vị trí định chụp ở độ cao 18 mét thì anh nghe tiếng xe máy đổ phía trên cầu vượt. Chắc là tai nạn. Anh lơ đãng ngó xuống màn hình thì thấy mấy chiếc xe máy đang xếp thành vòng tròn trên mặt cầu, cách anh khoảng 40 mét theo đường drone bay.

Ban đầu anh còn định bỏ qua, nhưng cũng đã ngay lập tức lùi lại và bấm đại một kiểu. Sau đó thì anh mới xoay máy, điều chỉnh bố cục nhưng vẫn phải chụp khá vội vàng vì chỉ 30 giây sau đã có một đống ô tô, xe máy bị dồn lại trông chẳng khác gì cảnh ùn tắc hàng ngày. Có vẻ không ai làm sao cả, anh lại tiếp tục với công việc chính của mình.

Anh chụp vụ tai nạn tổng cộng 10 ảnh nhưng xem lại thì chỉ có cái ảnh bấm vội đầu tiên là dùng được. Tất nhiên là phải chỉnh độ sáng và cắt cúp. Đã bảo là bấm vội mà!

Ảnh chụp màn hình Lightroom

Trong những buổi chụp ảnh quảng cáo, vì quá quan tâm đến bố cục và ánh sáng nên nhiều khi người chụp bị làm mất khoảnh khắc, hay nói đúng hơn là mất cơ hội tạo ra được khoảnh khắc mình mong muốn. Thật may là chụp ảnh quảng cáo thì vẫn có thể diễn lại nhiều lần. Nhưng ngay cả khi đã cho diễn đi diễn lại thì không phải lúc nào người ta cũng có được khoảnh khắc mà mình cần.

Và nếu có được một bức ảnh vốn được dàn dựng mà lại trông như cứ như thật thì anh biết mình có thể yên tâm chụp tiếp.

Ngược lại, với ảnh đời thường, anh quan niệm khoảnh khắc là thứ mình bắt gặp chứ không phải thứ mình tìm kiếm, và nó thường là những thứ nằm ngoài trí tưởng tượng của mình. Hơn nữa, nếu anh quá nắn nót chuyện bố cục và ánh sáng thì có lẽ sẽ chỉ chụp được một vụ va chạm giao thông như hàng trăm vụ khác đang xảy ra hàng ngày.

Và nếu thấy một bức ảnh chụp một cảnh tượng diễn ra hoàn toàn tự nhiên mà lại trông như dàn dựng thì anh hiểu rằng điều đó vốn nằm ngoài trí tưởng tượng của mình.