Người Hà Nội sang đường

Trong 6 tháng đầu năm 2009, tại Tp. Hồ Chí Minh, trong tổng số 452 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) có 29 người chết khi đang đi bộ. Trong đó, 27/29 trường hợp là do lỗi của người đi bộ, kèm theo 8 người điều khiển phương tiện thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan. Cũng trong thời gian này, tại Hà Nội có 44 vụ TNGT do người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định, chiếm gần 10% tổng số vụ tai nạn.

Có 3 yếu tố ảnh hưởng cơ bản đến mức độ ATGT: đường sá, phương tiện và con người. Trong yếu tố con người, bên cạnh ý thức chấp hành luật thì thái độ ứng xử cũng có sự ảnh hưởng không nhỏ. Những hình ảnh dưới đây phản ánh ứng xử của người dân và ngành giao thông thủ đô trước một nhu cầu đơn giản: bước sang bên kia đường.

Khách bộ hành sang đường theo vạch kẻ dành cho người đi bộ trên phố Đinh Tiên Hoàng, ngày 08/10/2009. Với hàng loạt các điểm tham quan, giải trí và mua sắm, khu vực quanh hồ Gươm có thể coi là nơi có nhiều khách bộ hành nhất thủ đô.

11h30′ ngày 12/10/2009, trước cổng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (334 Nguyễn Trãi), một chiếc xe máy vẫn cố tình vượt đèn đỏ trong khi các phương tiện khác đã dừng lại nhường đường cho người đi bộ.

Một người đàn ông trung tuổi đứng giữa ngã 3 Lê Thanh Nghị – Giải Phóng để đợi xe đến đón. Ảnh chụp ngày 07/10/2009.

Tại một điểm quay đầu xe trên đường Nguyễn Trãi, ngày 09/10/2009, một phụ nữ trẻ đang đưa tay ra hiệu khi sang đường, trước mặt là một chiếc taxi đang lao nhanh, phía sau là một chiếc ô tô khác đang quay đầu.

Một nhóm người vừa vội bước sang đường vừa quan sát luồng xe đang lao về phía mình tại một điểm quay đầu xe trên đường Nguyễn Trãi, ngày 09/10/2009. Sang đường theo nhóm đông người và di chuyển chếch theo luồng xe được nhiều người coi là cách sang đường an toàn.

Tại giao cắt Nguyễn Trãi – Nguyễn Quý Đức, ngày 12/10/2009, dù có nút bấm dừng xe nhường đường cho người đi bộ, nhưng nhiều người vẫn sang đường khi chưa có tín hiệu cho phép. Thu Hà (sinh viên năm thứ nhất Trường ĐHKHX&NV) cho biết: Hàng ngày em đều phải đi qua đoạn này, ban đầu thì cũng sợ, nhưng bây giờ thì cứ lúc nào ít xe là qua. Bởi vì kể cả khi có tín hiệu nhường đường thì vẫn có nhiều xe không chịu dừng lại.

Cũng tại giao cắt Nguyễn Trãi – Nguyễn Quý Đức, ngày 12/10/2009, mặc dù đã có tín hiệu dừng xe nhường đường cho người đi bộ, nhưng nhiều phương tiện vẫn cố tình vượt lên, còn người đi bộ thì phải tranh thủ từng khoảng trống để qua đường.

Một nam thanh niên đang trèo qua hàng rào phân cách trên đường Nguyễn Trãi, ngày 09/10/2009. Để hạn chế tình trạng người đi bộ qua đường không đúng quy định, nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã được dựng hàng rào trên dải phân cách. Nhưng với nhiều người, chủ yếu là nam thanh niên, họ chỉ cần “nhún một phát là qua”, mặc dù nếu sơ sểnh là có thể bị ngã xuống lòng đường.

Một khe hở của đoạn rào trước số nhà 64 Nguyễn Trãi được biến thành lối đi lí tưởng cho những người lười đi bộ hoặc không có khả năng leo qua hàng rào. Ảnh chụp ngày 09/10/2009.

Thay vì đi qua hầm bộ hành, người phụ nữ này chọn “lối đi” ngắn hơn và kém an toàn hơn là vượt qua dải phân cách dưới gầm cầu vượt Ngã tư Sở, ngày 07/10/2009. Dải phân cách này được dựng lên khi Hà Nội thực hiện phương án phân luồng giao thông mới vào tháng 7/2009.

Trước cổng trường ĐH Giao thông – Vận tải, ngày 08/10/2009, thay vì đi qua cầu vượt cách đấy chừng 15 mét, có khá nhiều người lợi dụng lối đi dành riêng cho xe lăn để sang đường.

Mặc dù đã có hầm bộ hành ngay dưới gầm cầu vượt, nhưng vẫn có một đoạn rào chắn được mở ngay cuối chân cầu, đoạn trước cổng chợ Ngã tư Sở. Đây là một vị trí sang đường rất nguy hiểm vì đường hẹp, các phương tiện di chuyển nhanh khi xuống dốc. Ảnh chụp ngày 09/10/2009.

Phản ứng của hai phụ nữ trẻ đang sang đường sau khi suýt bị một chiếc xe máy lao phải. Hai người này đang đi ngang qua đường Nguyễn Trãi tại một điểm không có vạch sang đường, ngày 09/10/2009.

Tại một điểm quay đầu xe trên đường Nguyễn Trãi, ngày 09/10/2009, sau một hồi chờ đợi, người phụ nữ lớn tuổi này đã tìm được “bạn đồng hành” để sang đường. Ở Hà Nội, chuyện thanh niên chủ động đưa người già, trẻ em sang đường gần như chỉ còn tồn tại trong trí nhớ và sách vở.

Đầu phố Tràng Tiền, một người đàn ông lớn tuổi thong thả qua đường, phía sau lưng là triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” của nhà sưu tầm người Pháp Philipe Chaplain, ngày 08/10/2009.