Thỉnh thoảng lại gặp những cái tít mở rộng (hoặc thu hẹp) phạm vi sự kiện, đối tượng so với nội dung phản ánh trong bài. Ví dụ về trường hợp mở rộng: Trên VNN, ngày 26/6/2007, có cái tít nghe rất khủng: “Google doạ huỷ dịch vụ Gmail” (thực chất là chỉ doạ với phiên bản Gmail tiếng Đức). Ví dụ về trường hợp thu hẹp: Cũng trên VNN, hôm nay (02/7/2007), có cái tít nghe là lạ: “14 máy tính được mang vào phòng thi” (thực chất là 14 loại, viết như kia ai cũng hiểu nó là 14 cái và là máy vi tính chứ không phải máy tính tay)…
Ta thừa biết trong báo chí luôn có những thủ thuật giật tít với mục đích tạo sự kích thích đối với người đọc. Nhưng những trường hợp như thế này thì cần phải gọi là “xảo thuật”. Lí do đơn giản là vì nó phản ánh không đầy đủ sự thật, làm người đọc hiểu lầm (đặc biệt tai hại khi người đọc là những tay nhanh nhảu, chỉ đọc mỗi cái tít rồi chạy tót ra ba hoa). Nói một cách không chua ngoa thì đây là trò lừa đảo trí tò mò đáng thương của người đọc.
Vì một vài lí do được tạm nêu ở trên, ta tạm phân những cái tít kiểu này vào loại “lừa đảo”.
Với trợ thủ Google Reader, kể từ hôm nay, ta sẽ canh những cái tít “lừa đảo” trong các chuyên mục về giáo dục, khoa học và công nghệ trên một số báo điện tử trong nước.
Loại mở rộng ngoại diên
- Google doạ huỷ dịch vụ Gmail (VNN, 26/6/2007)
- Google Mail chính thức khai tử (VNN, 09/7/2007)
- Giáo sư Hoa Kì sẽ sang VN giảng dạy (VNN, 21/12/2007)
- Mĩ sử dụng sách giáo khoa toán Singapore (Tuổi trẻ Online, 02/01/2008)
- Trung Quốc chính thức đóng cửa các website video (VNN, 23/3/2008)
Loại thu hẹp ngoại diên
- 14 máy tính được mang vào phòng thi (VNN, 02/7/2007)
Loại đánh tráo khái niệm
- Của quý của Saddam Hussein được rao bán (VNN, 09/10/2007)
Loại khác
- Biết bị điếc, vẫn nghe iPod! (VNN, 27/3/2008)
Bình luận