Vẩn vơ về chính sách ngôn ngữ

Xuất phát từ cảnh huống ngôn ngữ, có thể chia chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam thành hai nhóm: đối với tiếng Việt và đối với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Những “suy nghĩ bất chợt” này xuất phát từ một cái đầu đã lâu rồi không đụng đến chính sách ngôn ngữ, và lĩnh vực chủ yếu được đề cập ở đây là chuẩn hoá và bảo vệ tiếng Việt.

Có thể nói, chính sách ngôn ngữ của Việt Nam thận trọng và có phần hơi e dè. Các chính sách mới cũng mới chỉ dừng lại ở tầm khái quát. Có cảm giác vấn đề ngôn ngữ bị lẫn quá với các vấn đề về dân tộc, văn hoá, hay nói cách khác, nó bị chính trị hoá quá mức. Ngoài ra, tôi chưa thấy những cơ chế đủ mạnh để tạo điều kiện thực hiện những chính sách chi tiết hơn, ví dụ như về vấn đề chuẩn hoá ngôn ngữ (chính tả, thuật ngữ,…).

Ngoài việc thiếu những cơ chế như vậy, việc thực hiện chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay cũng chưa thực sự tốt. Ví dụ ở khía cạnh chuẩn hoá, bảo vệ tiếng Việt, thực trạng yếu kém này thể hiện rất rõ ở hai kênh quan trọng nhất là giáo dục và truyền thông.

Về phía giáo dục. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số quy định về chuẩn hoá ngôn ngữ, nhưng các giáo viên lại hầu như không quan tâm, không biết để thực hiện (vấn đề i/y, viết hoa…).

Về phía truyền thông. Cũng như đa phần các giáo viên, những người làm truyền thông hầu như không có ý thức đầy đủ về việc chuẩn hoá. Thậm chí, một bộ phận trong số họ lại chạy theo xu hướng sính ngoại, lười suy nghĩ, lạm dụng tiếng nước ngoài trong sản phẩm của mình.

Và trong thực tế hiện nay, với sự xâm nhập ồ ạt của văn hoá nước ngoài, thì việc thực hiện chính sách chuẩn hoá và bảo vệ tiếng Việt lại càng khó khăn hơn.

Tất nhiên, phương thức bảo vệ hiệu quả nhất là phát triển đúng hướng. Có thể khi khác sẽ “vẩn vơ” về những thuận lợi và khó khăn đối với quá trình phát triển tiếng Việt hiện nay so với các giai đoạn trước.

Tóm lại, để làm tốt nhiệm vụ chuẩn hoá và bảo vệ tiếng Việt cần phải có cơ chế đủ mạnh (cơ sở pháp lí để thành lập những cơ quan tư vấn, giám sát), nhân lực đủ trình độ và nâng cao nhận thức cho những bộ phận có ảnh hưởng lớn (giáo dục, truyền thông).

Vẩn vơ nhiều thành vớ vẩn… 😛


Chuyên mục: