Nghiện

Muốn máy tính chạy thì phải có hệ điều hành. Có rất nhiều hệ điều hành: UNIX, Linux, BSD, Mac,… và Windows. Windows luôn là lựa chọn hàng đầu vì tuy Linux miễn phí tiền bản quyền nhưng khó dùng, còn Mac thì lại quá đắt đỏ. Ở Việt Nam gần như không có thứ lựa chọn này vì người ta hầu như chỉ biết đến Windows. Nói thẳng toẹt ra thì quá nửa số người dùng ở Việt Nam hiện nay không có ý thức hoặc biết phân biệt rạch ròi giữa phần cứng và phần mềm, hệ điều hành và chương trình ứng dụng. Đã là máy tính thì khi bật lên sẽ có chữ Windows, có cái nút “Start” ở góc dưới bên trái màn hình,… Nó như cái tivi, mua về là phải xem được mấy kênh VTV.

Tất nhiên, nếu người ta phải bỏ ra số tiền tương đương với số tiền mua phần cứng để có Windows, có MS Office, có Norton Anti-Virus,… thì sự thể nó đã theo một hướng khác. Đằng này thì chỉ cần bỏ ra 7000 đồng để mua một cái đĩa CD phần mềm bẻ khoá. Trên 90% số máy tính ở Việt Nam vi phạm bản quyền phần mềm, trong đó chủ yếu là phần mềm của Microsoft. Nhưng ông yên tâm, MS chẳng bao giờ đâm đơn kiện ông đâu. Không những thế, MS còn xây dựng và mời ông tham gia chương trình đào tạo kĩ năng sử dụng sản phẩm của MS nữa ấy chứ.

MS tốt bụng nhỉ! Ừ, mong muốn của MS là người người, nhà nhà, ngành ngành đều dùng sản phẩm của MS. Windows của MS sẽ là “năm bờ oăn”, là “zi ông li oăn” dù chạy mấy tuần lại cà giựt, vi-rút vi riếc loạn xạ xì ngầu,… Không là “số 1” sao được khi mà ông đã lỡ quen dùng Windows, dữ liệu của ông thì đã quá nhiều. Nó cũng giống như chuyện phải chuyển nhà sau một thời gian dài sống ổn định. Ngại lắm!

Đến khi biết con cá đã thực sự chui đầu qua hom thì lúc này MS sẽ chỉ việc nhấc đó. Trước tiên là các cơ quan trung ương phải trả tiền bản quyền, ví dụ như Bộ Tài chính đợt trước chẳng hạn. Sau đó là các đơn vị và các cấp khác. Không trả tiền thì tất nhiên sẽ có kiện tụng, sẽ có trừng phạt kinh tế. Mà, đâu chỉ có riêng phần mềm của MS, còn của các công ti phần mềm khác nữa chứ.

Nếu các cơ quan phải đổi sang hệ điều hành khác, phần mềm khác thì gần như phải bắt đầu lại từ đầu (bao gồm việc chuyển đổi dữ liệu, đào tạo lại người dùng, viết lại các chương trình chuyên dụng,…). Công việc tất yếu sẽ bị đình trệ, thiệt hại có thể sẽ gấp nhiều lần tiền bản quyền kia, dù tiền bản quyền cũng chả thấp tẹo nào.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì MS sẽ không bao giờ thuê người đến từng nhà kiểm tra từng cái máy. Vì thế, ông chẳng tội gì mà phải bỏ thêm tiền bản quyền cho máy tính của cá nhân ông. Còn máy ở cơ quan thì đã có cơ quan, có nhà nước trả tiền. Lo gì! Tất nhiên, tiền đấy lấy ở đâu ra thì ông phải biết.


Chuyên mục:

,

3 bình luận

  1. Ảnh đại diện
    Khách

    Thế nên bi giờ bắt đầu đào tạo Linux trong ĐH.
    Có lẽ hơi muộn (vì M$ đã ngấm hơi sâu) nhưng không làm thế thì dơ tay chịu trói à.

    Mà cũng không nên bi quan vì cộng đồng nguồn mở VN không phải là nhỏ bác lngt à.

    Vả lại em nghĩ rằng nên có 3 hướng: chấp nhận bản quyền nhưng sử dụng nó có hiệu quả (đa phần máy tính ở các đơn vị nhà nước lãng phí kinh khủng (em cũng thế hì hì…)), chấp nhận 1/2 tức là một mặt trả tiền cho những gì không thể chuyển đổi, mặt khác tích cực đào tạo nhân lực Linux; phủ nhận theo nghĩa chây ỳ nó đòi đấy hứa trả đấy nhưng chưa vào WTO thì cũng chưa ràng buộc gì mấy.

    Vài dòng quấy quả, cảm phiền anh đọc đến đây!

  2. Về hướng thứ 3. Chây ì thì chắc là cũng chả được bao lâu. Chủ trương của mình là hội nhập. Mà đã hội nhập thì phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

    Về hướng thứ nhất. Nếu nói về mặt hiệu kinh tế không thôi thì còn tạm chấp nhận (dù rất khó thực hiện). Nhưng vấn đề ở đây không chỉ có kinh tế mà còn liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm khác. Trong kỉ nguyên công nghệ cao này, sự phụ thuộc về công nghệ cũng kinh khủng lắm!

    Giải pháp thứ 2 mang tính dung hoà, nhưng cần định hướng theo lối tạo cho mình sự chủ động. Mà chỉ có dựa vào nguồn mở thì mới có thể tạo cho mình một sự chủ động đích thực.

    Đúng là giới CNTT trong nước đã có ý thức hơn đối với nguồn mở, nhưng chưa nhiều. Cộng đồng nguồn mở Việt Nam mới chỉ hình thành và tồn tại ở mức sơ khai, chưa thực sự có ảnh hưởng tới đời sống CNTT trong nước. Đa phần vẫn thừa nhận rằng mình đang phải kiếm ăn bằng Windows, còn bằng Linux thì ít.

    Để việc sử dụng phần mềm nguồn mở thoát khỏi cái tầm chỉ là thú vui, sự tò mò,… như hiện nay thì phải tạo ra nhu cầu dùng nguồn mở một cách thực sự. Muốn vậy thì phải tuyên truyền. Chí ít cũng cho người ta thấy Linux không phải là một cái gì đó bí hiểm, rối rắm như xưa nay vẫn quan niệm.

    Và cái đoạn “nói nhảm” tôi viết ở trên cũng có thể coi là một đoạn tuyên truyền :mrgreen:.

  3. Ảnh đại diện Tien Hoang
    Tien Hoang

    Đến bây giờ thì MS đã chuẩn bị chạy linux trong windows

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.