Cung và cầu

(Nhân chuyện ông Phạm và mấy người nữa bàn chuyện sinh hoạt chuyên môn của cán bộ trẻ và sinh viên Khoa Văn trên svnhanvan.org)

Trong tín hiệu cấp cứu (SOS) này, có một vấn đề là ai xứng đáng làm điều hành viên. Vậy thử xem điều hành viên (phải) là người như thế nào.

Các “chức danh” của một ông/bà điều hành viên thông thường:
— Lao công;
— Cảnh sát khu vực;
— Trưởng ban hoà giải;
— Trường phòng kế hoạch;
— Đội trưởng đội tuyên truyền.

Thông thường thì là thế. Nhưng trên cái diễn đàn này đa phần toàn bạn bè, thầy trò với nhau, toàn người có học cả,… nên chẳng có mấy ai viết bậy bạ hay cũng chả mấy khi xảy ra đánh chửi nhau bằng giọng hàng tôm, hàng cá để mà lao công phải vất vả dọn dẹp, cảnh sát khu vực phải lập biên bản này nọ và trưởng ban hoà giải phải cắp cặp đến giảng hoà. Còn chuyện khơi chủ đề thì chắc chắn là sẽ có nhiều người có bức xúc này nọ (tất nhiên phải đảm bảo điều kiện là có đủ người tham gia), do đó, ông trưởng phòng kế hoạch không phải lo lắng về chuyện: ngày mai ta bàn về chủ đề gì.

Vấn đề chủ yếu ở đây là làm sao cho bà con mình yêu lao động. Vì rằng, cái này hoàn toàn là tự nguyện, không ai tính vào phần thi đua khen thưởng hay cho vào bảng điểm rèn luyện…

Thử cho tuyên truyền viên của chúng ta đi vận động sinh viên và cán bộ trẻ nhé.

Sinh viên:

  • Em không biết dùng Internet;
  • Em không có tiền;
  • Em không có thời gian;
  • Em có vào mấy lần nhưng không thấy có gì mấy;

Cán bộ trẻ:

  • Ừ, hay đấy. Nhưng phải để mấy nữa, dạo này mình bận lắm. (nói xong rồi quên hoặc cố tình quên);
  • Toàn tán phét vớ vẩn;
  • (Nghĩ thầm: Nếu nói về những vấn đề thông thường thì người ta nghĩ mình trình kém, còn vấn đề mới thì vớ vẩn lại lộ hết các đề tài mình đang làm);

Thực ra thì, thứ nhất, bà con nghe tới máy tính, Internet là như nghe nhắc đến ngoáo ộp. Từ đó có tâm lí ngại, nói thẳng ra là giấu dốt. Bận bịu quái gì. Mỗi tuần ông chỉ cần bỏ ra vài ba tiếng là đủ, đâu cần phải lọ mọ từ 6h sáng tới 12h đêm.

Thứ hai là sinh viên có phải ai cũng thích thú cái ngành mà mình học đâu. Thế thì nói gì đến trao đổi, thảo luận. Chát chít thú vị hơn nhiều! Cái này trách ai?

Nhưng ngay cả với những người yêu chuyên môn, có thời gian và biết dùng Internet thì họ cũng có một số trở ngại: Sự kiên trì. Không ai có thể độc thoại mãi được, quanh đi quẩn lại có một nhúm người thì cũng chả mấy chốc mà chán.

Ông đội trưởng đội tuyên truyền bó tay chưa?

Thế nên, xét cho cùng thì ai làm điều hành viên cũng được, miễn là có trách nhiệm, không lạm dụng chức quyền để làm việc bậy bạ. Và quan trọng là ý thức được chìa khoá của vấn đề: Sự quan tâm của sinh viên.

Chả phải nói thì ai cũng biết “sinh con rồi mới sinh cha”… Dù mấy ông thầy kia có bàn hươu tán vượn gì thì cuối cùng cũng phải truyền cho trò mình (đây không nói một vài ông có chủ trương giấu nghề). Chả còn gì chán hơn là phải đứng giảng trước hàng trăm con mắt vô hồn! Không còn gì buồn bằng việc sinh viên chả có tẹo gì là sáng tạo trong các bài viết của mình. Cứ như thế thì sau này đi làm kiểu gì? Vì vậy, phải tạo dựng sự quan tâm, niềm đam mê và thói quen làm việc theo nhóm ở sinh viên.

Cái diễn đàn là môi trường học tập và giải trí thứ hai. Nó có khả năng đáp ứng những thiếu hụt mà nhà trường chưa thể đáp ứng, nhất là vấn đề địa điểm, phương tiện. Hơn nữa, khả năng truy cập Internet bây giờ là rất dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi. Từng này lí do thôi cũng đủ để khẳng định lợi thế của diễn đàn trực tuyến.

Túm lại là phải tạo cho sinh viên niềm đam mê, thích đi tận cùng vào vấn đề mình quan tâm. Chỉ cần có nhu cầu đó, cộng với một vài sự giúp đỡ về kĩ năng sử dụng Internet thì chắc chắn diễn đàn sẽ cực kì sôi động.

Vậy ai làm điều này? Chính là các thầy cô, Đoàn-Hội, và quan trọng hơn cả vẫn là ý thức cá nhân của từng người.


Chuyên mục: