Đào tạo theo nhu cầu xã hội

Dự kiến điểm chuẩn có rồi, nhiều ngành tiếp tục phải hạ điểm so với năm trước, chỉ tiêu nguyện vọng 2 tăng lên. Nhiều thầy băn khoăn, nhiều cô trăn trở, nửa đêm vẫn lên FB lăn qua lăn lại kiếm tìm giải pháp.

Thương các thầy cô, em có mẹo nhỏ rỉ tai.

Dân ta từ thời phong kiến thối nát đến lúc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đa phần đều học để đi thi, xưa thì mong làm quan, giờ thì mộng làm lãnh đạo. Các bậc cha mẹ thì hầu như ai cũng muốn con cái mình có công việc nhàn nhã, sang trọng, lắm bổng nhiều lộc, hay chí ít nghe tên cũng có vẻ như vậy.

Những công việc như thế gọi chung là quản lí.

Thế nên các thầy cô chỉ cần bỏ mấy chữ “học/khoa học” mà thêm mấy chữ kiểu như “quản lí”, “quản trị”, “điều hành”,.. vào trước hoặc sau tên ngành hiện tại là đảm bảo ông Đinh Việt Hải[1] sẽ phát khóc vì không thuê đủ địa điểm thi. Em nói không phải lí thuyết suông đâu nhé, bởi vì đã có vài ngành trong trường có tên kiểu như vậy chứng minh điều này.

Em gợi ý nhé:

  • Lịch sử: Quản trị quá khứ
  • Triết học: Quản lí tư tưởng
  • Ngôn ngữ học: Hoạch định phương tiện giao tiếp và công cụ tư duy
  • Lưu trữ học: Quản lí và khai thác di sản
  • Thông tin học: Quản trị thông tin
  • Xã hội học: Điều hành xã hội

Còn các thầy cô lo mình trở thành kẻ treo đầu dê ư? Cứ yên tâm đi ạ. Ngay đến cả ngành Văn học cũng có cựu sinh viên giờ làm tổng bí thư cơ mà.

Và làm được như vậy là chúng ta vừa tự đổi mới mình lại vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội đấy ạ.

_______
[1] Ông Đinh Việt Hải là phó trưởng phòng Đào tạo của một trường đại học hàng đầu Việt Nam về khoa học xã hội và nhân văn.