Paratime Studio home page

Paratime dùng WPML để làm website tiếng Anh

Trong tình trạng ế chứ ê kéo dài vì COVID-19 thì anh đành tranh thủ làm phiên bản tiếng Anh cho paratime.vn. Dù có nhiều giải pháp khác nhau, nhưng sau một hồi tham khảo thì anh vẫn chọn WPML.

Nói “vẫn chọn” là vì trước đây đã từng dùng WPML cho website của một số khách hàng. Tuy nhiên, do lâu không làm website thuê nên cũng không đụng tới WPML nữa. Bây giờ dùng lại thì vừa lạ vừa quen.

Lựa chọn gói dịch vụ

WPML không cho mua một lần mà người dùng phải trả tiền gia hạn hàng năm để được quyền cập nhật phiên bản mới. Có ba lựa chọn và anh chọn mức thứ hai là 79 đô (gia hạn 59 đô/năm).

Về mặt tính năng thì gói này không khác gì với gói cao nhất (159 đô). Chỉ có điều là nó chỉ được dùng cho ba website, còn gói cao nhất thì không giới hạn. Trong khi đó, gói thấp nhất thì bị cắt đi nhiều tính năng. Nhưng không phải ai cũng cần đến tính năng đó.

Bản thân anh cũng tắt String Translation (vì nó tốn quá nhiều tài nguyên máy chủ). Translation Management chỉ bật nếu cần dùng.

Vì thế, ban đầu bạn nên đăng kí gói thấp nhất. Nếu thực sự cần dùng tính năng của gói cao hơn thì có thể nâng cấp bất kì lúc nào. Và chỉ phải trả thêm số tiền chênh lệch giữa hai gói.

Định dạng địa chỉ

Trong phần Language URL format (định dạng địa chỉ cho ngôn ngữ) WPML có ba lựa chọn: tên miền con, thư mục con và tham biến (parameter) ?lang.

Ban đầu thì anh dùng lựa chọn mặc định là tham biến. Ví dụ như ?lang=en thì hiển thị bản tiếng Anh. Tuy nhiên sau một hai hôm thì anh thấy trông nó hơi rối mắt nên quyết định chuyển sang tên miền con. Và như vậy phiên bản tiếng Anh sẽ có ở địa chỉ en.paratime.vn.

Do website sử dụng SSL nên anh lại phải cấu hình lại Let’s Encrypt. Cũng may là đang dùng Webinoly nên việc này khá dễ dàng, chỉ cần chuyển sang Wildcard Certificates là xong:

sudo site paratime.vn -ssl=on -wildcard

Và do trong quá trình dịch sang tiếng Anh trước đó anh đã thay đổi một số liên kết nội bộ sang địa chỉ dạng ?lang=en rồi, nên giờ phải thay đổi sang dạng en.paratime.vn. Nếu làm thủ công thì mất thời gian và dễ bị bỏ sót. Thế nên anh lại bật lại cái trình bổ sung Regex Replace để làm việc này trong vài nốt nhạc.

Hiển thị nút/trình đơn chuyển ngôn ngữ

Nếu trang đang xem có phiên bản của ngôn ngữ khác thì WPML sẽ hiển thị liên kết đến phiên bản ngôn ngữ đấy. Liên kết này được WPML cho vào các trình đơn (menu) của WordPress. Người dùng có thể chọn bất kì trình đơn nào và chọn vị trí xuất hiện của liên kết là đầu hay cuối mỗi trình đơn.

WPML language switcher positions
Anh đặt biểu tượng/liên kết chuyển ngôn ngữ cả ở đầu trang lẫn liên kết ở trình đơn cuối trang

Đề làm vậy thì trong phần Menu language switcher, anh chọn cấu hình cho hai trình đơn:

  • Language Switcher: trình đơn này được đặt ở đầu trang, ngay cạnh nút tìm kiếm.
  • Footer: trình đơn ở chân trang
WPML Menu language switcher configuration
Cấu hình vị trí đặt liên kết chuyển ngôn ngữ

Ở đầu trang thì anh chỉ hiện biểu tượng của ngôn ngữ với kích thước tương đương nút tìm kiếm. Theo mặc định thì biểu tượng của ngôn ngữ sẽ là hình quốc kì. Nhưng anh không thích như vậy nên chuyển sang biểu tượng tuỳ chọn. Về vấn đề này, anh sẽ nói ở phần tiếp theo.

Sở dĩ anh không cho liên kết chuyển đổi vào trình đơn chính (cùng với các mục Giới thiệu, Liên hệ,…) là vì nếu xem trên màn hình máy tính thì vẫn thấy ngay biểu tượng ngôn ngữ. Nhưng nếu xem trên màn hình điện thoại thì phải bấm vào biểu tượng trình đơn thì mới thấy biểu tượng ngôn ngữ. Anh muốn biểu tượng ngôn ngữ luôn hiển thị ngay cùng các biểu tượng trình đơn và tìm kiếm.

Paratime Studio home page
Biểu tượng chuyển đổi ngôn ngữ luôn hiển thị trên cùng với mọi kích thước màn hình

Không dùng quốc kì để biểu thị ngôn ngữ

Vấn đề này thì có nhiều người nói rồi. Với tiếng Việt thì dùng cờ đỏ sao vàng cũng tạm chấp nhận được. Nhưng với tiếng Anh – ngôn ngữ chính thức của nhiều nước – mà lại chọn quốc kì của Vương quốc Anh thì không được đúng.

Vì thế, thay cho quốc kì, anh “vẽ” hai biểu tượng bằng kí hiệu viết tắt của ngôn ngữ: En (English) và Vi (Việt). Màu sắc thì chọn xanh và đỏ cho nó thêm tính khu biệt.

Cấu hình lại Google Search Console và Google Analytics

Trước đây anh chỉ đăng kí mỗi www.paratime.vn với Google Search Console. Nhưng nay đã có thêm tên miền con en.paratime.vn nên sẽ phải thay đổi lại đôi chút bằng cách Add Property với tuỳ chọn cả tên miền (Domain) chứ không phải theo URL Prefix như trước nữa.

Còn ở Google Analytics, theo mặc định nó sẽ chỉ hiển thị URI chứ không hiển thị đầy đủ URL (có tên miền). Do đó, với cùng một trang /about chẳng hạn thì sẽ không biết là trang tiếng Việt hay tiếng Anh. Do đó, anh cũng bắt chước thiên hạ mà làm một cái bộ lọc như này:

Google Analytics Filter
Cấu hình bộ lọc cho Google Analytics để hiển thị cả tên miền

Do ảnh hưởng của COVID-19 và những chính sách mới của chính quyền Việt Nam nên nhiều người nước ngoài đang phải tính chuyện về nước. Nhưng có lẽ điều đó không ảnh hưởng gì nhiều tới thị trường chụp ảnh chân dung nghề nghiệp nói riêng và nhiếp ảnh nói chung.