Thử nghiệm tạo ảnh bằng thấu kính hội tụ

Nguyên lí quang học của việc tạo hình ảnh

Nếu đã tốt nghiệp trung học cơ sở, hẳn là bạn đã được học về việc hình ảnh được tạo ra từ thấu kính hội tụ trong sách Vật lí lớp 9.

Chúng ta có thể nhìn được một đối tượng là nhờ ánh sáng phát ra hoặc phản xạ từ đối tượng đó.

Ánh sáng từ đối tượng sau khi đi qua thấu kính hội tụ, ở khoảng cách nhất định sẽ tạo nên hình ảnh của đối tượng đó trên một màn chắn vuông góc với trục chính của thấu kính. Khi thay đổi khoảng cách tương đối giữa màn chắn, thấu kính và đối tượng thì hình ảnh sẽ thay đổi độ nét hoặc bị mất đi.

Máy ảnh hoạt động theo nguyên lí này. Trong đó, phim hay cảm biến chính là tấm màn để lưu lại hình ảnh. Còn ống kính là một tập hợp các loại thấu kính khác nhau.

Mô hình tạo ảnh bằng thấu kính hội tụ
Mô hình tạo ảnh bằng thấu kính hội tụ. Minh hoạ: luom.tv

Bức ảnh là kết quả của việc sử dụng ánh sáng để lưu lại hình ảnh thật của sự vật vào trong một khung hình.

Không có ánh sáng thì không có hình ảnh. Trong nhiếp ảnh, vai trò của ánh sáng cũng tương tự như vai trò của màu vẽ trong hội hoạ. Người ta nói “nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng” là vì thế.