Ống kính Mamiya-Sekor 110mm ở khẩu độ f5.6

Aperture – Khẩu độ

13 năm trước, sau nhiều năm chụp ảnh một cách bản năng, anh Lựợm bắt đầu tự học chụp ảnh qua Internet. Khi đó, những tài liệu bằng tiếng Việt rất ít và còn tương đối sơ sài. Vì thế, dù trình độ tiếng Anh chẳng đâu vào đâu nhưng Lựợm vẫn phải mò mẫm bằng thứ ngôn ngữ này. Hoá ra, không chỉ học được chụp ảnh mà anh còn biết thêm một chút tiếng Anh.

Nhưng làm vậy thì quá mất thời gian.

Vì thế, Lựợm.TV hi vọng chuỗi bài giới thiệu các thuật ngữ nhiếp ảnh cơ bản này có thể sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho những ai quan tâm.

Thuật ngữ đầu tiên được giới thiệu là Aperture (Khẩu độ). Đây cũng là một trong những thuật ngữ mà bạn cần biết ngay khi bắt đầu học chụp ảnh.

Định nghĩa Aperture (Khẩu độ)

Khẩu độ là độ mở của ống kính để cho ánh sáng đi qua.

Khẩu độ được xác định theo từng bước (f-stop), bước sau cho lượng ánh sáng vào bằng 50% so với bước liền trước:

f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16, f/22

Do là mẫu số nên số càng nhỏ thì khẩu độ càng lớn. Ví dụ: f2.8 là khẩu độ lớn, còn f16 là khẩu độ rất bé.

Thay đổi độ mở ống kính
Thay đổi độ mở ống kính. Ảnh: paratime.vn

Hãy tưởng tượng ống kính như một chiếc cửa. Cửa mở càng rộng thì ánh sáng vào nhà càng nhiều và ngược lại. Ống kính có các lá khẩu (aperture blades) giúp thay đổi độ mở của nó.

Trong cùng một khoảng thời gian lộ sáng (exposed), ống kính được mở khẩu độ lớn sẽ cho nhiều ánh sáng hơn tác động lên cảm biến (sensor) hoặc phim, giúp bức ảnh sáng hơn.

Thay đổi khẩu độ để làm gì?

Trên ống kính thường ghi thông tin tiêu cự (focal length) và khẩu độ tối đa. Tuỳ từng loại ống kính mà người chụp có thể thay đổi bằng cách xoay trực tiếp trên ống kính hoặc điều khiển qua máy ảnh. Nhưng cũng có những ống kính chỉ có duy nhất một khẩu. Ví dụ như đa phần ống kính trên điện thoại chẳng hạn.

Đánh dấu khẩu độ trên ống kính Leica Summicron-M f2/50
Đánh dấu khẩu độ trên ống kính Leica Summicron-M f2/50. Ảnh: paratime.vn

Khẩu độ là một trong ba yếu tố quyết định độ sáng của bức ảnh (exposure triangle). Ngoài ra, nó cũng là một trong những nhân tố làm thay đổi tới độ sâu trường ảnh (DOF – Depth of Field) cũng như mức độ làm mờ tiền cảnh và hậu cảnh trong bức ảnh.

Ví dụ như để “xoá phông” thì dễ nhất là dùng khẩu độ lớn. Khẩu càng to thì phông càng mờ. Cách chụp này giúp cho đối tượng chính (được lấy nét) trở nên nổi bật hơn và bức ảnh trở nên lung linh, bắt mắt hơn.

Một bức ảnh được chụp ở khẩu độ f2
Ảnh được chụp ở khẩu độ f2 giúp làm mở hậu cảnh và tiền cảnh, khiến đối tượng được lấy nét trở nên nổi bật hơn. Ảnh: documentary.vn

Tuy nhiên, không phải vì bạn có ống kính khẩu độ f1.2 mà lúc nào bạn cũng để ở độ mở này. Điều quan trọng là bạn phải biết mình cần độ sâu trường ảnh bao nhiêu và mục đích để làm gì.

Ngoài ra, để ở khẩu độ nhỏ hơn khẩu độ tối đa (khép khẩu) sẽ giúp tăng độ nét (sharpness). Và các vấn đề quang học khác như độ biến dạng (distortion), tối góc (vignetting) hay quang sai (chromatic aberration) thường sẽ được giảm bớt.

Chọn ống kính theo khẩu độ

Ống kính có khẩu độ lớn (từ f2.8 trở lên) rất có lợi trong điều kiện ánh sáng yếu. So với ống kính đa tiêu cự (zoom), ống kính một tiêu cự (prime/fixed lens) có cấu tạo đơn giản hơn nên cũng dễ đạt được khẩu độ lớn hơn. Thông thường, ống kính có khẩu độ tối đa càng lớn thì càng đắt tiền.


Tiếp theo

3 responses

  1. […] ba cạnh của tam giác lộ sáng (exposure triangle). Hai cạnh còn lại là khẩu độ (aperture) và tốc độ cửa trập (shutter […]

  2. […] bài trước chúng ta đã lần lượt tìm hiểu về khẩu độ, tốc độ cửa trập và ISO. Đây là ba yếu tố làm nên mô hình tam giác lộ sáng […]

  3. […] yếu như thế kể cũng hơi thử thách. Thật may là chiếc máy này có ống kính khẩu độ f1.8 nên cũng […]

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.