7 điều nên cân nhắc trước khi thuê người chụp ảnh nghiệp dư

Khi lên kế hoạch cho một sự kiện quan trọng như đám cưới, hội nghị, gặp mặt đại gia đình,… bạn sẽ đối mặc với những khoản chi có mức giá trên trời. Điều đương nhiên là bạn sẽ phải tìm cách cắt cái nọ, bớt cái kia tiết kiệm chi phí. Nhưng trước khi quyết định thuê một người chụp ảnh nghiệp dư cho sự kiện của mình, Book More Brides khuyên bạn hãy thử cân nhắc những điều dưới đây.

1. Điều đáng tiếc nhất của cô dâu chú rể sau đám cưới là đã không chi nhiều tiền hơn cho việc chụp ảnh

Dù đám cưới là ngày quan trọng nhất trong đời bạn nhưng những ấn tượng về nó cũng không thoát khỏi sự khắc nghiệt của thời gian. Bữa tiệc xa hoa đến mấy rồi cũng có lúc khách khứa về hết, thứ duy nhất ở lại là những tấm ảnh. Thật không may là chỉ khi chuyện đã xong thì các cặp đôi thực sự nhận ra điều ấy.

“Bộ ảnh đám cưới của tôi chẳng đâu vào đâu vì tôi đã thuê một thợ chụp ảnh nghiệp dư. Dù tôi đã làm mọi điều cần làm như cho anh ta biết phong cách chụp mà tôi thích, đưa ra danh sách những ảnh cần chụp, hỏi xem bộ máy ảnh đắt tiền đấy có phải của anh ta không (anh ta đã nói dối), song kết cục là tôi vẫn phải nhận một bộ ảnh cưới với những bức hình lãng nhách, nhoè nhoẹt”.

“Nhiều năm sau đám cưới, mỗi lần nghĩ lại chuyện này tôi lại thở dài. Ngay trong lần kỉ niệm ngày cưới đầu tiên, vợ chồng tôi đã thuê chụp lại một bộ ảnh khác. Mặc dù trong bộ ảnh mới cũng có một số đồ vật và trang trí dùng trong ngày cưới cho có không khí nhưng nó hoàn toàn không thể thay thế cho toàn bộ ngày cưới. Không có bạn bè đông vui, không có nụ hôn đầu khi chính thức là vợ chồng,… Tôi đã đánh mất những khoảnh khắc chỉ diễn ra một lần đấy chỉ vì lỡ thuê một anh thợ ảnh nghiệp dư”.

Mẹ chồng trao nón

2. Thợ nghiệp dư không làm việc nghiêm túc được như dân chuyên nghiệp

Một thợ ảnh chuyên nghiệp cần đầu tư hàng trăm triệu đồng cho đồ nghề cũng như thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ. Dù đã chụp ảnh hàng chục sự kiện tương tự nhưng họ luôn hỏi trước về kế hoạch chương trình. Khi sự kiện diễn ra, họ bám sát và ghi lại từng chi tiết. Không có chuyện đến khi gần đến chương trình họ lại cáo bận hoặc lặn mất tăm không trả ảnh sau khi đã chụp xong.

“Năm ấy gia đình tôi tổ chức họp mặt đại gia đình bốn thế hệ, có cả các bác ở quê lên, rồi mấy đứa em đang công tác ở nước ngoài cũng về. Mẹ tôi được hàng xóm giới thiệu và đã thuê thợ chụp ảnh là một cậu sinh viên học báo chí năm cuối thuê trọ gần nhà. Nhưng khi đến hẹn trả ảnh thì không thấy cậu ta đến”.

“Chúng tôi gọi điện thì không nghe máy, đến chỗ trọ thì chủ nhà bảo đã chuyển đi rồi”.

“Cũng may là chúng tôi còn có ít ảnh chụp bằng điện thoại, không thì chẳng biết bao giờ mới có ảnh của cả nhà như thế nữa”.

Tốt nghiệp

3. Bạn cần người chụp ảnh giàu kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng hình ảnh

Thường thì các chương trình đều có kế hoạch cụ thể, nhưng đôi khi vẫn có những sự thay đổi hoặc sai lệch. Và thợ nghiệp dư thường không có kinh nghiệm để đối phó với những tình huống như vậy.

“Theo kế hoạch thì khi kết thúc hội nghị, hơn 100 đại biểu sẽ chụp ảnh lưu niệm tại bậc tam cấp trước hội trường. Tuy nhiên, do trời mưa nên chúng tôi phải bố trí chụp trong nhà”.

“Sân khấu đủ rộng để xếp thành 3 hàng nhưng khi nhận ảnh thì mới phát hiện có tới 1/3 số người ở hàng sau bị khuất mặt, nhắm mắt, và ở giữa ảnh thì bị cháy còn ở ngoài rìa thì lại vừa nhoè vừa tối. Thế là, thay vì gửi ảnh chúng tôi phải gửi lời xin lỗi tới các đại biểu”.

Đón tiếp toàn quyền Canada David Johnston

4. Thợ nghiệp dư thường không có phương án dự phòng

Trong khi lên chương trình, bạn luôn phải lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra để có phương án đối phó. Người chụp ảnh cũng phải như vậy.

“Tôi vừa phải trở thành thợ ảnh bất đắc dĩ cho chú em họ. Số là người mà em tôi thuê chụp đã bị ngã xe khi đang trên đường đến đám cưới. Người thì chẳng làm sao nhưng máy ảnh thì lại bị hỏng. Thôi, của đi thay người. Tuy vậy, dù vẫn khoẻ mạnh bình thường nhưng anh thợ chụp ảnh vẫn không thể tới chụp được vì không mượn được đồ nghề thay thế”.

“Cũng may là sau đó là khi ra đến nhà hàng thì gia đình cũng thuê được người chụp ảnh khác. Nhưng dù sao thì cũng vẫn hơi mất mặt với họ nhà gái”.

GS Xoay đi hỏi vợ

5. Thợ không chuyên có thể phá hỏng sự kiện của bạn

Người chụp ảnh cũng là một phần của sự kiện. Sự hiện diện, trang phục, các cử chỉ, hành động,… của họ ít nhiều cũng gây chú ý và ảnh hưởng tới các vị khách.

“Trong lễ tốt nghiệp, trường tôi muốn tặng mỗi sinh viên một tấm ảnh lúc các em nhận bằng từ hiệu trưởng. Để đảm bảo cả người trao và người nhận cùng nhìn vào một máy, chúng tôi chỉ cho phép người mà chúng tôi thuê đứng chụp”.

“Tuy nhiên, có một số khách mời do không biết nên đã lấy điện thoại ra chụp ảnh. Thay vì giải thích lịch sự hoặc nhờ chúng tôi can thiệp thì anh thợ chụp ảnh lại có những lời lẽ xúc phạm họ. Hậu quả là mấy vị này sau đó đã không ở lại dự tiệc và còn chúng tôi thì bị sếp ‘nêu gương’ trong mấy cuộc họp sau đó”.

Trao bằng tốt nghiệp

6. Thuê người nghiệp dư đồng nghĩa với rước thêm việc vào thân

Thợ nghiệp dư thường lúng túng và không xác định được những tình huống quan trọng của sự kiện. Ngược lại, người chụp chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm thực tế, có kế hoạch chụp từ trước, có óc phán đoán cũng như khả năng phản ứng nhanh nhẹn trước các tình huống.

Vì thế, khi thuê người nghiệp dư, nếu bạn muốn có những bức ảnh cần thiết thì sẽ luôn phải nhắc nhở, kiểm tra họ.

Thậm chí, ngay cả khi thuê một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, bạn cũng cần phải biết sở trường, sở đoản của họ. Một nhiếp ảnh gia chuyên chụp thời trang thường làm việc trong điều kiện được kiểm soát thì rất có thể sẽ không bắt kịp các tình huống khi chụp sự kiện. Với lại, một khi đã không tin tưởng nhau như vậy thì không khí làm việc sẽ trở nên nặng nề và ảnh hưởng không nhỏ tới việc bấm máy.

Hồ Ngọc Hà

7. Bạn sẽ mất những khoảnh khắc mà chính bạn đã không thấy

Sau khi nhận ảnh, nhiều khách hàng ngạc nhiên và thích thú trước những khoảnh khắc mà họ không nghĩ là đã diễn ra. Dân nghiệp dư thì thường không đủ tinh tế và kĩ năng để có thể thấy và chụp lại những khoảnh khắc ấy. Còn bạn sẽ chẳng biết là mình đã mất gì.

Anh Lựợm – một chuyên viên chụp ảnh – tâm sự: “Tôi cưới vợ trước khi trở thành một người chụp ảnh, vì thế, giống như nhiều người khác, chúng tôi không quan tâm lắm tới việc thuê người chụp ảnh. Cũng may gia đình tôi có người làm nghề chụp ảnh, nên ít ra thì chúng tôi còn thấy được là hôm đấy mình mặc gì, trang trí đám cưới như thế nào, bạn bè có những ai… Nhưng chỉ đến khi đi chụp ảnh đám cưới của người khác, tôi mới nhận ra có nhiều khoảnh khắc mà chỉ người chụp ảnh mới thấy được”.

Bật sâm-panh

Với đa số nhân loại thì đám cưới chỉ diễn ra một lần. Vậy nên, nếu sắp cưới, các bạn hãy đảm bảo đã tìm được ít nhất một người chụp ảnh đáng tin cậy.

Nguồn: Phóng tác từ Book More Brides.

* Các tình huống và ảnh chỉ có tính chất minh hoạ.