[Slides] Đêm ca trù cho sinh viên

Đêm giới thiệu và biểu diễn nghệ thuật ca trù vừa được tổ chức thành công tại Trung tâm Nội trú SV Đại học Quốc gia Hà Nội, tối 09/12/2009. Chương trình do ĐHQGHN và CLB Ca trù Thăng Long phối hợp tổ chức, thuộc khuôn khổ dự án Giới thiệu văn hoá – nghệ thuật cho cán bộ và học sinh, sinh viên ĐHQGHN.

Sau màn “Trống rước” mở đầu chương trình, ca nương Phạm Thị Huệ (Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long) đã giới thiệu khái quát về loại hình nghệ thuật vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, ngày 01/10 vừa qua.

Theo một số nhà nghiên cứu, ca trù ra đời từ thế kỉ XI. Nhưng các thư tịch cổ còn lại đến ngày nay cho biết ca trù có từ thế kỉ XV. Đây là thời kì ca trù đã phát triển đến đỉnh cao. Theo khảo sát của các Viện Âm nhạc, cả nước hiện còn 21 nghệ nhân ca trù, thuộc 14 tỉnh thành, trong đó chỉ có 12 người còn có khả năng truyền dạy.

Trong tên gọi “ca trù” thì “ca” là ca hát, “trù” là tên một loại thẻ. Ở cửa đền ngày xưa có lệ hát Thẻ gọi là Trù, làm bằng tre ghi chữ đánh dấu, dùng để thưởng ca nương thay tiền mặt. Ngoài ra, tuỳ theo không gian diễn xướng mà bộ môn nghệ thuật truyền thống này còn có tên gọi khác như: hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò, hát cửa quyền, hát cửa đình…

Dự án “Giới thiệu văn hoá – nghệ thuật cho cán bộ và học sinh, sinh viên” của ĐHQGHN tổ chức từ tháng 4/2009 đến tháng 4/2010, với 12 chuyên đề khác nhau. Cũng trong tháng này, dự án sẽ tiếp tục với chương trình giới thiệu và biểu diễn nghệ thuật tuồng.

Nếu bạn đang xem bài này trên Facebook, rất có thể bạn sẽ không xem được slide. Để xem slide, xin vui lòng truy cập TTNN của lngt