2 ngày ở Phù Yên – Sơn La

Say diệu, mất dép, mất kính, tí nữa thì mất quyển sổ. Chả được cái ảnh nào gọi là ngon cả 🙁

Năm nay, huyện Phù Yên (Sơn La) được Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội chọn làm địa bàn triển khai hoạt động tình nguyện hè 2009, thay cho huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ). Trường ĐHKHXH&NV có 2 đội tham gia tại địa bàn này.

Cũng như hôm trước đi Hà Giang, cơ cấu đoàn cán bộ cấp cao của Đoàn Trường không có gì thay đổi: Bí thư, Phó BT, lái xe, thợ chụp ảnh. Lần trước đi buổi sáng, lần này đi lúc giữa trưa (03/8). Đích đến là Phù Yên – quê hương của giáo sư dân tộc học Hoàng Lương, cả huyện ai cũng biết.


1. Một quán nước ở thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn – tỉnh Phú Thọ). Với lộ trình hơn 150km từ Hà Nội lên thị trấn Phù Yên thì thị trấn Thanh Sơn có vẻ là nơi nghỉ giữa chặng phù hợp nhất.

Sau gần 150 phút, đoàn cán bộ cấp cao Đoàn TN Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội đã có mặt tại khách sạn 1 sao mang tên Phù Hoa, nằm ở trung tâm thị trân Phù Yên, giá 150k/phòng. Trong phòng có tivi, điều hoà, bình nóng lạnh, 2 cái giường đơn,… và 5 cái mắc áo.


2. Khách sạn Phù Hoa đang xây nốt nửa còn lại để đón các du khách lên thăm Phù Yên sau khi xem ảnh của Trần Văn Lượm.

Sau khi đã ổn định chỗ ở, đoàn cán bộ đến địa điểm đầu tiên là xã Huy Hạ (giáp với thị trấn Phù Yên), nơi đóng quân của đội thứ nhất với nòng cốt là SV Bộ môn Chính trị học – đệ tử của GS.TS PTBTTVHTW.


3. Một vụ tai nạn ngay đầu xã Huy Hạ với hậu quả là 2 chiếc xe máy tan xác văng ra cách nhau gần chục mét, các chú cảnh sát mẫn cán đang tận dụng quyền ưu tiên vừa tranh thủ tắm nắng chiều giữa đường vừa hoàn tất hồ sơ vụ tai nạn.


4. Nhà ông Phó BT Đảng uỷ xã Huy Hạ là một trong năm nhà có sinh viên tình nguyện đến ở nhờ. Đội văn nghệ đang lao huỳnh huỵch trên sàn nhà để tập một điệu múa của người Mông do em Nhung còi biên đạo.


5. Khi đoàn cán bộ đến thăm thì gặp luôn cụ thân sinh của ông Phó Bí thư và ngay lập tức được nghe ông cụ phê bình trong hơi men về thái độ làm việc của sinh viên và chính quyền xã. Đoàn cán bộ cấp cao theo phép lịch sự là cũng gật gù và thể hiện thái độ cầu thị, “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Nghe nói, sau khi cán bộ ra về thì cả đội ứ thèm ca hát nhảy múa gì nữa mà chỉ ngồi một chỗ rưng rưng xúc động.

Rời Huy Hạ, đoàn cán bộ sang Huy Tường, cũng ngay cạnh thị trấn, để thăm đội thứ 2 với nòng cốt là Khoa Triết học. Cả đội có 35 thành viên và chia ra ở 5 nhà gần nhau.


6. Bạn Nguyễn Thị Bích Ngoan (K51 Triết học) đang nấu bữa chiều tại nhà anh Đinh Văn Cường (Bí thư Đoàn xã Huy Tường).


7. Con mèo nhà anh Cường cũng có vẻ thích chụp ảnh nhưng lại tỏ ra kiêu kiêu.


8. Vẫn là con mèo kiêu kiêu đấy, nhưng lần này là với ống 70-200mm với một số phụ kiện làm bối cảnh như quả mít, quần đùi (?) đỏ, áo xanh tình nguyện và nắng chiều chiếu qua cửa sổ thay cho hệ thống strobist phức tạp.


9. Cháu Lò Văn Hiếu, 8 tuổi, ở gần nhà anh Cường, năm học tới sẽ lên lớp 3. Khi được hỏi là năm vừa rồi có được giấy khen không thì cháu cười trông rất vô duyên và bảo là “không biết”.

Đoàn cán bộ cấp cao chia đôi, đ/c Bí thư ở lại Huy Tường, đ/c Phó BT cùng chú lái xe và Trần Văn Lượm quay lại Huy Hạ để dự bữa cơm thân mật với lãnh đạo xã.


10. Bà Lê Thị Thu – Bí thư Đảng uỷ xã Huy Hạ – giải thích về phát ngôn của thân sinh của cấp phó của mình. Đ/c Phó BT Đoàn Trường khẳng định đây là một “sự cố” rất dễ gặp và bày tỏ sự thông cảm cũng như đánh giá cao sự giúp đỡ của địa phương và kết quả hoạt động của đội tình nguyện.


11. Cuộc toạ đàm giữa đ/c Phó BT Đoàn Trường với đ/c Bí thư ĐU và Chủ tịch xã kết thúc khi trăng 13 đã vượt khỏi đỉnh núi một đoạn khá cao để vẫy chào tạm biệt ông mặt trời đi ngủ.

Sau bữa cơm thân mật do những người đứng đầu xã Huy Hạ đích thân bồi tiếp, tất cả lại cùng nhau ra dự đêm giao lưu văn nghệ giữa Đoàn TN xã và đội tình nguyện.


12. Các cháu thiếu nhi địa phương vui mừng phấn khởi trước giờ khai mạc đêm văn nghệ.


13. Chương trình ca múa nhạc diễn ra khá sôi động, các tiết mục cứ nối đuôi nhau tiến ra trước phông sân khấu để phục vụ bà con.


14. Chương trình văn nghệ ở quê có sức hấp dẫn đến kì lạ, khán giả không ai bỏ về trước, lãnh đạo xã cũng xem đến hết thì thôi. Đã vậy, các khán giả trẻ còn nán thêm gần 15 phút để xem “chương trình 2” với những màn biểu diễn nhảy híp hốp do các vũ công chân đất trong xã thực hiện.


15. Hình ảnh cuối cùng còn ghi lại được về đôi dép Bi tít của Trần Văn Lượm. Ảnh: Huy Cường.

5h30′ sáng hôm sau, Trần Văn Lượm cùng đ/c Phó BT bắt xe ôm sang Huy Hạ để chụp ảnh sinh hoạt buổi sáng của đội tình nguyện cùng bà con tại mó nước bản Bó. Theo lời giới thiệu, mó nước này là một mạch nước lộ thiên không bao giờ đục (trừ trong 1 tuần sau vụ sóng thần khủng khiếp ở Ấn Độ Dương hồi năm kia năm kìa gì đấy). Ở đây, mùa hè thì mát lạnh, mùa đông thì nóng ấm (có thể vặt lông vịt được). Chiều chiều, già trước trẻ sau đều ra mó tắm, mà là tắm tiên nhé. Bật mí: Chị em thì chủ yếu tắm khi trời đã chạng vạng, nhưng chắc nếu để ISO3200, khẩu f1.4 thì chắc vẫn chụp tốt.


16. Buổi sáng ra mó thì chỉ có đánh răng, rửa mặt thôi, không có tắm tiên nhá.


17. Người thì đánh răng, người thì giặt quần áo, mấy thanh niên khác thì lại tranh thủ tán tỉnh nhau.


18. Em này tên là Thu Hiền (trên áo em ấy ghi thế). Tạo dáng ghê lắm nhá.


19. Vẫn là em Thu Hiền đang ra vẻ tư lự, nhưng đấy chỉ là giả vờ thôi, thực ra là đang diễn để cho anh Phó BT chụp đới, nhưng anh ấy đang mải chụp bạn khác.


20. Cô này đi từ bản Bó ra. Quên không hỏi là bên kia suối là đâu mà sao lắm người qua cầu thế.


21. Thôi, từ đây đến ảnh 29 chả cần chú thích gì nhá.


29. Ảnh số 29.


30. Đoàn Văn Đạt (26 tuổi) quê Đoan Hùng – Phú Thọ đang ngồi bán hàng trước nhà. Đạt bắt đầu đi làm từ năm 19 tuổi. Đầu năm 2008, Đạt lái máy xúc bên huyện Bắc Yên (Sơn La), được 2 tháng thì xin nghỉ ít ngày về thăm người yêu nhưng ông chủ nói đã về thì đừng có quay lại, thế là Đạt về hẳn. Sau đó, Đạt xuống Hà Nội đi làm cho một nhà nghỉ. Nhà nghỉ mới mở nên ít khách, công việc nhàn hạ nhưng lương lại thấp, Đạt lại lên thị trấn Phù Yên làm ăn. Yêu con gái ông chủ nhà rồi lại bỏ, Đạt bị ông bố vợ hụt không cho ở nữa. Chuyển sang bên xã Huy Thượng, ban đầu là buôn trứng, từ Tết đến giờ thì Đạt buôn rau quả và đồ nhựa gia dụng. Hàng bán không chạy lắm, nhưng cả xã chỉ có mình Đạt bán hàng này nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào.

Chuyện tạm dừng ở đây. Mai rảnh kể tiếp.

Sau hơn 2 tiếng chụp ảnh, đoàn cán bộ cấp cao sang Huy Thượng tặng quà cho một nhân vật sẽ được nói tới ở dưới. Trên đường đi thấy cảnh mua bán lạ mắt nên Lượm nhảy xuống làm vài kiểu, sau mới biết đấy là xe chở hàng trợ giá của chính phủ.


31. Bà con xã Huy Tường vây xung quanh xe chở hàng để mua hàng trợ giá 50% của chính phủ. Ngoài mặt hàng chính là muốn i-ốt, còn có dầu gội đầu, xà phòng,… Do là hàng trợ giá nên số lượng có hạn, mỗi gia đình chỉ được mua theo số nhân khẩu.

Nhân dịp sinh viên Nhà trường tổ chức hoạt động tình nguyện hè tại xã Huy Tường, BCH Đoàn Trường ĐHKHXH&NV đã đến thăm và tặng quà cho anh Đinh Văn Thuần – một thanh niên bị mất thị lực không rõ nguyên nhân.


32. Anh Đinh Văn Thuần sinh năm 1982, dân tộc Mường, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Hiện anh sống cùng mẹ, vợ và con trai tại bản Tân Tiến – xã Huy Tường.


33. Bị bệnh đã gần 1 năm nay, tuy mắt chỉ nhìn thấy mờ mờ nhưng anh Thuần đã quen đi lại, làm việc trong nhà bình thường. Khi chúng tôi đến, anh Thuần đang vần 2 nồi cám lợn từ trong bếp ra, nếu không được giới thiệu sau đó thì không ai nghĩ đó là một bệnh nhân mà Viện Mắt TW đã chịu “bó tay”. “Nhưng nếu bảo mình sang nhà khác thì chịu, vì mình không quen lối”, anh Thuần cho biết.


34. Bé Hiếu (con trai anh Thuần) 16 tháng tuổi, đã biết đi và bập bẹ nói. Dù bị mẹ giữ nhưng vẫn cố nhoài ra để chạm vào ống kính máy ảnh.


35. “Mình bị từ hồi tháng 9, tháng 10 năm ngoái. Ban đầu hơi mờ, sau cứ mờ dần, mờ dần. Anh trai mình cũng bị 8 năm nay rồi, nhưng nhẹ hơn mình bây giờ. Mình đã đi điều trị ở Viện Mắt Trung ương nhưng không khỏi, mà bây giờ cũng không biết nguyên nhân là gì. Ban ngày đi ra ngoài sân mà có nắng thì chói và nhức mắt lắm, nhưng nếu tối có trăng thì lại dễ chịu. Bây giờ mình nhìn mọi thứ trông cứ mờ mờ, chỉ khi nào có người đi lại hoặc lên tiếng thì mới biết. Lúc đầu mình cũng đau khổ lắm, vì là thanh niên trẻ mà đã mắc bệnh như thế này, chẳng làm gì được cho gia đình. Giờ thì mình suy nghĩ lại rồi, thôi thì cứ ở trong nhà làm việc nội trợ giúp vợ con cũng được…”


36. Đ/c Trịnh Minh Thái – Bí thư Đoàn Trường ĐHKHXH&NV – tặng quà, động viên anh Thuần cùng gia đình. [Ảnh này chắc phải thay bằng cái khác]

Những ảnh dưới đây đa phần là linh tinh. Không cần ghi chú.


39. Bà Đinh Thị Lài (sinh năm 1949, dân tộc Mường) ở Bản Bó 2 – xã Huy Hạ.

47. Một phụ nữ Mường đang dắt xe qua cánh đồng Mường Tấc (?), sáng 05/8/2009.

Khi đi sang Huy Hạ để chia tay bà con, thấy nắng lên đẹp quá nên Trần Văn Lượm đòi xuống, hẹn các lãnh đạo tí nữa quay lại đón. Nắng thì yếu, được vài phút lại bị mây che, chán chả muốn chụp, trong khi đấy thì các cháu tình nguyện đang cùng bà con khóc nức khóc nở vì phải chia tay sau chuyến tình nguyện gần 20 ngày. Lượm ngồi bên đường, 2 tay 2 súng, ngẫm nghĩ về một sự kiện hiếm có với một cảnh ngày nào cũng có, càng nghĩ càng giận cho cái sự bồng bột, non nớt của mình.

3 phản hồi

  1. Trời ơi,hóa ra là say diệu à? Giờ tôi với biết? Có vài ảnh có cảm xúc.

  2. Mình say diệu thường xuyên í mà.

    Ảnh mình vô hồn, vô cảm lắm, bạn cứ quá nhời thế mình khó tiến bộ lắm 🙂

  3. Ảnh đại diện Vợ

    Đúng là vô bổ!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.