Chém lợn và chém gió

Tự hôm qua đến nay Phây búc, báo chí bàn nhiều về việc bỏ nghi lễ chém lợn ở Ném Thượng, rồi được đà thì đề nghị dẹp luôn chọi trâu, đâm trâu. Thực ra những ý kiến kiểu như này thỉnh thoảng cũng có xuất hiện, nhưng người châm ngòi lần này là Tổ chức Động vật Châu Á với việc phát động chiến dịch kí tên kêu gọi gì đó. Thành ra nó cũng hơi ầm ĩ so với mọi lần.

Qua phản hồi của bạn đọc trên báo và các thảo luận trên Facebook thì có thể thấy những người phản đối cơ bản không phải là dân làng Ném Thượng. Về cơ bản, họ là người ngoài cuộc, cho nên cách tiếp nhận và đánh giá sự việc của họ thường là cảm tính, cá nhân và so sánh khập khiễng. Thay vì tìm hiểu ý nghĩa của tục lệ thì ngay lập tức họ phản đối với những lí do khá cảm tính như thấy “phản cảm”, “man rợ”, không phù hợp với tiêu chuẩn văn minh,… Nhưng có một điều họ không nhận ra hoặc không thừa nhận rằng đây chỉ là một hoạt động trong một cộng đồng nhỏ, mỗi năm chỉ có một lần, và nếu thấy không phù hợp thì họ đừng để ý nữa, có ai bắt họ xem đâu.

Cũng có những lí do khách quan, lo ngại tục lệ sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lí và hành vi trẻ nhỏ chẳng hạn. Điều này cũng đáng cân nhắc nhưng nó cũng mới chỉ là những giả thiết chưa được chứng minh bằng bất kì nghiên cứu khoa học cụ thể nào. Nhân vụ này, các khoa Xã hội học, Tâm lí học có thể cho sinh viên, học viên làm khoá luận, luận văn khảo sát về hành vi bạo lực của trẻ em làng Ném Thượng cho nó phù hợp với xu thế của cộng đồng mạng 😀

Vá xe máy. Hà Nội, 7/2014.
Vá xe máy. Hà Nội, 7/2014.

– Khi nhìn hình ảnh trên bạn thấy gì?
– Bác sửa xe cũng đáng tuổi cha chú anh kia mà anh ta lại ngồi chễm chệ như thế. Dù có là khách hàng nhưng cũng phải biết tôn trọng người lớn tuổi chứ?! [1]

Trong khi trình độ văn minh có thể so sánh hơn kém trực tiếp với nhau thì trước một hiện tượng văn hoá, đầu tiên người ta phải tìm cách giải mã nó. Giống như khi nghe một ngôn ngữ lạ, thay vì tìm cách hiểu nó thì nhiều người tỏ ý coi thường vì nghe trúc trắc; hoặc tỏ ra thích thú, thán phục vì nghe nó véo von đáng yêu, mặc dù có thể lúc đó nó đang chửi mình, hô hố =))

Những người ủng hộ nghi lễ này là người dân Ném Thượng. Họ là chủ thể và chỉ có họ mới có quyền và khả năng quyết định số phận của hoạt động văn hoá này. Còn dư luận và chính quyền, nếu muốn phản đối hay dẹp bỏ thì trước tiên phải chứng minh được những hậu quả tiêu cực của nó đã.

_______
[1] – À không phải đâu. Người vá xe nhờ anh ta ngồi lên để có thể xoay được bánh trước đó thôi.