Thử nghiệm đa phương tiện

Từ lúc tưởng tượng ra một kịch bản, đi tìm nhân vật, cho đến khi tiếp xúc với thực tế là 1 tuần. Sau buổi gặp đầu tiên, những vấn đề chính đã được xác lập cụ thể. Thật tình cờ là mấy hôm sau lại đúng dịp tổ chức ngày Thế giới nhận biết chứng tự kỉ. Và 6 ngày sau buổi gặp đầu tiên là buổi phỏng vấn và quay hình bổ sung.

Đấy là những công đoạn thu thập chất liệu cho một thử nghiệm mới, cũng là một sản phẩm truyền thông để hướng học sinh phổ thông đăng kí vào ngành Tâm lí học.

Với định hướng đầu ra là một sản phẩm đa phương tiện, nên cũng phải đa phương tiện ngay từ đầu vào. Trong tưởng tượng, bạn nghĩ là việc chụp ảnh, quay phim và ghi âm không có gì là khó khăn. Quả thật cũng sẽ dễ dàng hơn nếu bạn chụp ảnh bằng máy DSLR và quay phim/ghi âm bằng một chiếc handycam gắn thành một khối với máy ảnh. Nhưng đằng này bạn phải đeo một máy 5D mark II trên vai, một máy 5D mark II khác gắn trên tripod, cầm một máy ghi âm Zoom H4n có gắn shotgun để có thể ghi lời nói của nhân vật trong một không gian ồn ào như lớp mẫu giáo. Thế nên, vì bạn không phải là hạng ba đầu sáu tay, tại một thời điểm, bạn sẽ phải đắn đo là lúc này thì nên chụp hay quay hay chỉ ghi âm.

Nhưng đấy lại là một cách làm việc vớ vẩn, tự làm vướng víu mình. Cuối cùng thì sản phẩm của bạn lại là một cái giọng kể đều đều từ đầu đến cuối, tiết tấu chậm chạp, hình ảnh thiếu đặc sắc, đôi khi mới ăn nhập tẹo. Quan trọng hơn, bạn chỉ cho thấy một ấn tượng về nghề dạy trẻ tự kỉ chứ không phải là về ngành Tâm lí học. Mà, Tâm lí học là cái cao siêu gì? Thú thực là bạn cũng không biết. Bạn chỉ biết học xong thì người ta có thể làm gì. Nhân vật của bạn cũng cho biết cơ hội nghề nghiệp như thế nào, khó khăn ra sao và phần thưởng là gì.

Ngoài ra, bạn đặt sản phẩm chính thức ở ussh.edu.vn và bạn hi vọng người xem sẽ có ấn tượng hơn về Tâm lí học.

Trở lại với vấn đề thử nghiệm kĩ thuật. Quá trình xử lí hậu kì của bạn là:

  1. Lightroom: Chọn ảnh theo yêu cầu của kịch bản và chỉnh sửa cho đẹp đẽ.
  2. Audition: Biên tập phần trả lời phỏng vấn của nhân vật. Cắt gọt, sắp xếp từ 8 phút thành 2 phút với yêu cầu không vấp, không sai sự thật, nội dung mạch lạc.
  3. Trở lại Lightroom: Sắp xếp ảnh theo nội dung âm thanh và xuất ra ảnh kích thước đủ lớn để có thể làm phim HD1080.
  4. Premiere: Mò mẫm kéo thả, khổ nhất là cái khoản khớp lời với video.
  5. Bạn thấy thiếu âm nhạc, bạn đi hỏi thằng Thất Học chỗ nó hay đào bới và sau 15 phút bạn tìm được một bản nhạc có giai điệu và thời lượng phù hợp. Bản nhạc cũng khiến bạn thay đổi một chút cho đoạn mở đầu và kết thúc.
  6. Trở lại Audition: Mixdown tất tần tật thành một tập tin âm thanh vì bạn không rành lắm về xử lí âm thanh bằng Premiere.
  7. Trở ra Premiere, bạn lại phải loay hoay một hồi để khớp lại lời với video.

Thế là xong. Mất hơn 5 tiếng loay hoay cho một cái đa phương tiện hơn 2,5 phút.