Cái vòng luẩn quẩn

Đối với từ ngữ không phải tiếng Việt, các biến thể phát âm là điều tất yếu. Đó là một thực tế và yêu cầu của xã hội là phải đi đến thống nhất.

1. Chữ viết ít biến đổi hơn nhiều so với phát âm;

2. Nếu phiên âm (phản ánh các biến thể bằng chữ viết) thì vô hình trung sẽ tăng “tuổi thọ” các biến thể;

3. Nếu viết nguyên dạng (hoặc nguyên dạng đã được Latin hoá) thì sẽ hạn chế môi trường tồn tại của các biến thể khác nhau, đồng thời hướng cộng đồng vào một biến thể duy nhất là nguyên dạng.

4. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp gốc ngoại lai đi vào tiếng Việt và tồn tại tương đối ổn định ở dạng phiên âm. Với những trường hợp này, nên có một ứng xử mềm dẻo. Nghĩa là, không nên buộc chúng phải trở lại nguyên dạng [như quan điểm của Vietlex và nhiều tờ báo đang làm] mà nên dùng biến thể phát âm ổn định nhất, với điều kiện phải thống nhất được cách viết [cái này cực khó].

Đấy là quan điểm cách đây đúng 1 tháng. Bây giờ nghĩ rằng có nhiều từ mượn được phiên chuyển, dùng phổ biến rồi thì kệ bố nó, coi nó là tiếng Việt đi, hoặc chí ít cũng là kiểu-tiếng-Việt, việc gì phải cất công phục nguyên cho ra cái vẻ sành điệu. Lấy ví dụ như trong lĩnh vực hoá học, những thuật ngữ chuyên môn hẹp thì có thể dùng nguyên dạng tiếng Anh nhưng những thuật ngữ mang tính phổ thông (từ ông nông dân đến bà tiến sĩ đều dùng hàng ngày) như “axít”, “bazơ” mà cũng đè nó thành “acid”, “base” thì vớ vẩn quá. Nói cách khác là phải ngồi đo đếm tần số, ngắm nghĩa tâm-biên hoạt động,… nói chung là khoanh vùng hoạt động (kiểu như đường đồng mức) của từng từ một trước khi đưa nó về dạng thích hợp.

Luẩn quẩn, lẩn thẩn cha nó rồi. Lại mất công xây dựng tiêu chí xác định mức độ khái quát về ý nghĩa, phạm vi sử dụng (trong và giữa các cộng đồng nói năng), với cả thời gian xuất hiện của từng từ…